Trong cuộc sống ngày nay, với nhiều thứ phải lo lắng, lo toan, chúng ta luôn phải đối mặt với nhiều áp lực bủa vây như: gia đình, công việc, tiền bạc... Các vấn đề này có thể khiến cho mỗi chúng ta cảm thấy không thoải mái, mất đi sự bình tĩnh và trở nên nóng giận. Vậy trong những trường hợp đó, chúng ta cần phải làm gì? Mời các bạn học các bí quyết giữ bình tĩnh trong lúc căng thẳng, tức giận qua bài viết dưới đây của Vieclam123.vn.
MỤC LỤC
Khi bạn nhận thấy mình bắt đầu căng thẳng, mất bình tĩnh thì việc đầu tiên cần làm đó là hãy hít thở thật sâu để có thể kiềm chế lại sự tức giận của mình. Trong lúc này, không được hành động một cách vội vàng, hấp tấp, bởi những lời nói, những hành động được làm trong khi tức giận đôi khi sẽ khiến bạn phải hối hận. Lúc này hãy dừng các công việc đang làm, nhắm mắt lại đếm nhẩm trong đầu từ 1 đến 10 để giảm đi lượng Adrenaline trong não – một chất do tuyến thượng tiết ra khi cơ thể tức giận, sau đó cần hít thở sâu và bình tĩnh lại.
Theo Carlos Coto, một nhà nghiên cứu về não bộ đã đưa ra phương pháp để giảm tải căng thẳng đó chính là kĩ thuật thở 4:4, tức là thực hiện hành động hít vào trong 4 giây, giữ yên trong 4 giây và sau đó thở ra trong 4 giây. Các bạn có thể thử áp dụng trong khi mất bình tĩnh, căng thẳng.
Cách để bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống là không được có bất kì phản ứng gì khi đang bị kích động. Khi đó hành động và lời nói của bạn có thể gây tổn thương cho người khác và cho chính mình. Lúc này bạn cần tự nhìn nhận lại và đưa ra cho bản thân một vài câu hỏi, ví dụ như: “Liệu mình có kiểm soát được bản thân trong tình huống này không?”, “Điều gì đang khiến cho bản thân mình mất đi sự bình tĩnh?”. “Liệu những điều đó có đáng để mình phải tức giận không?”... từ những câu tự hỏi đó bạn có thể đánh giá lại bản thân, có được ứng xử phù hợp, không phản ứng một cách bồng bột, thái quá.
Bạn cần phải hiểu rằng, cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra theo ý mình, các bạn không thể kiểm soát hay thay đổi hành vi của người khác. Nhưng để giữ được bình tình các bạn có thể thay đổi hành vi của mình.
Điều nên làm là hãy tập trung suy nghĩ về những việc mà các bạn muốn thực hiện trong khoảng thời gian tiếp theo, thay vì cứ mải mê tập trung vào các việc khiến bản thân bạn cảm thấy không thoải mái, tức giận. Thực hiện được những điều này, suy nghĩ của bạn sẽ dần chuyển từ sự giận dữ sang một trạng thái thoải mái hơn, giúp các bạn cảm thấy nhẹ nhàng dễ chịu hơn.
Việc bạn cố gắng kìm nén lại cảm xúc của bản thân có thể gây ra những bất lợi tiêu cực. Giáo sư tâm lí học tại đại học Columbia – Kevin Ochsner đã chỉ ra rằng, việc kìm nén sự tức giận có thể khiến cho mọi người cảm thấy các hành động bên ngoài tích cực hơn, nhưng bên trong cơ thể sẽ phải chịu áp lực rất lớn và điều này nếu kéo dài có thể gây ra stress.
Một cách để giúp các bạn có thể giữ được sự bình tĩnh mà không phải ép mình dồn nén cảm xúc đó chính là hãy gọi các cảm xúc ấy bằng một cái tên, cách này sẽ giúp bạn làm giảm đi nhanh chóng tác động của các cảm xúc tiêu cực đó. Vậy nên, khi gặp những điều không vui, những thứ tồi tệ, khủng khiếp khiến bạn mất bình tĩnh bạn có thể gọi chúng với cái tên “bực mình, tồi tệ, thất vọng,...” để giảm đi áp lực, giữ được bình tĩnh cho mình.
Những suy nghĩ tiêu cực như đánh giá nặng nề về sự việc hay thêm vào đó là sự tức giận, ganh ghét như “Mọi người rồi sẽ phải trả giá”, “Tất cả thật không công bằng với tôi”... tất cả các suy nghĩ đó đều không thể giúp đỡ được bạn trong khi mất đi sự bình tĩnh, thậm chí nó còn làm cho bạn cảm thấy tức giận, bực bội, mọi thứ còn tồi tệ hơn rất nhiều.
Bạn cần phải bỏ ngay các suy nghĩ đó đi thì mới có thể giữ được sự bình tĩnh, ngoài ra các bạn cũng nên chú trọng trong lời ăn, tiếng nói của mình, tránh việc sử dụng các từ ngữ có tính áp đặt, chỉ trích người khác, ví dụ như: “Bạn không bao giờ biết lắng nghe người khác nói”, “Bạn đã làm sai rồi, nên suy nghĩ ngay lại đi”, “Bạn luôn luôn là người như thế”... Tất cả các câu nói đó chỉ làm cho bạn thêm bực bội và sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thay vào đó bạn nên suy nghĩ những điều tích cực, nên thử đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, hành động, ứng xử một cách cẩn thận.
Dù đã thử rất nhiều cách nhưng bạn vẫn còn cảm thấy khó chịu và áp lực về một vấn đề nào đó, thì bạn có thể thử việc viết nó ra. Những suy nghĩ, tư tưởng tiêu cực cứ mãi dai dẳng theo bạn thường có xu hướng bị bùng phát khi mà có sự tác động, sự khiêu khích dù là nhỏ nhất và trở thành một cơn giận dữ, thịnh nộ.
Cách để có thể giữ được bình tĩnh đó chính là hãy ngồi lại một mình và viết ra những cảm xúc của bản thân. Nó có tác dụng làm cho bạn dịu đi cơn giận dữ và khiến bản thân có một cách nhìn nhận rõ ràng để xử lí các vấn đề phức tạp thật hợp lý. Và đặc biệt nó có thể làm cho bạn ngừng bị ám ảnh về vấn đề này, vì bây giờ tất cả những điều đó đã được viết ra một nơi cố định.
Một trong những nguyên nhân khiến cho chúng ta bị căng thẳng, mất bình tĩnh và dễ nổi nóng đó chính là những cảm xúc bi quan, những suy nghĩ tiêu cực mắc kẹt trong đầu chúng ta. Điều cần làm để bạn có thể trở lại trạng thái bình thường là bạn nên chia sẻ tất cả các vấn đề đó với người bạn thân, với những người bạn cảm thấy thoải mái khi nói chuyện, chia sẻ. Khi mọi thứ tồi tệ đã được tống ra khỏi đầu bạn, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, nếu như bạn cảm thấy giận dữ một cách thường xuyên, không thể điều phối được cảm xúc của bản thân gây ảnh hưởng lớn đến công việc, đến các mối quan hệ với mọi người xung quanh thì cách tốt nhất là các bạn nên gặp các chuyên gia về tâm lý, để họ có thể xem xét nguyên nhân và đưa ra cho các bạn cách xử lý đúng đắn, phù hợp.
Như đã phân tích ở trên, nếu các bạn càng kìm nén cảm xúc, kìm nén sự tức giận của mình một cách thường xuyên thì càng khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Có một phương pháp rất hay để giúp các bạn lấy lại được sự bình tĩnh đó chính là hãy dồn tất cả cảm xúc vào các động tác thể dục. Bạn có thể thực hiện việc chạy bộ, nâng tạ dồn hết sự giận giữ vào đó, điều này sẽ giúp cho tâm trạng của bạn được cải thiện nhanh chóng và giúp bạn hạnh phúc, khỏe mạnh. Nếu như vẫn cảm thấy không khá khẩm hơn là mấy thì cách giải quyết tốt nhất là dẹp hết mọi thứ qua một bên, lên giường và ngủ một giấc.
Biện pháp cuối cùng dành cho bạn nếu muốn lấy lại sự bình tĩnh đó chính là hãy đón nhận một luồng không khí mới, thay đổi tâm trạng bằng việc đi ra ngoài, đón nhận lấy bầu không khí trong lành và tràn ngập ánh sáng mặt trời. Đây cũng là lí do tại sao mà mỗi khi căng thẳng, mệt mỏi người ta hay nghĩ đến việc đi du lịch ở một nơi nào đó.
Bạn có thể đi bộ vài phút giữa hàng cây gió thổi lao xao, ngắm dòng người qua lại trên đường phố, nhìn những cánh chim đang chao liệng trên bầu trời, cảm nhận từng làn gió khẽ thổi qua, cùng hòa mình vào thiên nhiên, tất cả bầu không khí mới lạ đó sẽ giúp bạn quên đi được tất cả những điều không tốt đẹp, xua tan đi cảm giác không vui và lấy lại được sự bình tĩnh.
Theo các nghiên cứu cho thấy, việc bạn đắm chìm trong một không gian xanh ngát, thoáng đãng sẽ giúp bạn giải tỏa hết các căng thẳng, giảm thiểu stress. Thậm chí nếu trong quá trình học tập hay làm việc các bạn có thể tranh thủ giờ nghỉ trưa ngồi dưới những tán cây trong các công viên gần đó cũng giúp cho mọi người cảm thấy thư thái, thoải mái hơn, yêu đời và suy nghĩ tích cực hơn. Đó chính là lý do tại sao người ta luôn cố gắng tạo ra một không gian gần gũi với thiên nhiên như vậy.
Trên đây là bài viết của Vieclam123.vn về các bí quyết giúp bạn có thể giữ được sự bình tĩnh khi căng thẳng, tức giận. Hy vọng với những thông tin này có thể giúp các bạn vận dụng hiệu quả khi cảm thấy tức giận, mất bình tĩnh, giúp các bạn trở thành một người có cách ứng xử văn minh, lịch sự.
Xem thêm:
MỤC LỤC
15/07/2022
13/07/2022
14/06/2022
03/06/2022