Bạn sắp phải thực hiện một buổi phỏng vấn xin việc quan trọng? Liệu bạn đã biết có một số bước mà bạn có thể thực hiện trước (và sau) buổi phỏng vấn để đảm bảo rằng bạn gây được ấn tượng tuyệt vời với nhà tuyển dụng tiềm năng?
MỤC LỤC
Việc dành đủ thời gian để chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn gia tăng cơ hội nhận được lời mời làm việc từ nhà tuyển dụng. Vậy, một số cách tốt nhất để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn là gì?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều ứng viên dành đến bảy giờ để nghiên cứu về một công ty trước khi tham gia phỏng vấn ở đó. Nhiều ứng viên (64%) cũng nghiên cứu về người có khả năng cao sẽ phỏng vấn họ. Vì các buổi phỏng vấn xin việc thường mang không khí căng thẳng, đến 70% ứng viên trong các cuộc khảo sát đã nói rằng họ thường xuyên luyện tập trả lời phỏng vấn thành tiếng trước để làm quen với hoàn cảnh và 62% nói rằng họ đã chuẩn bị những mẩu chuyện nhỏ để chia sẻ với người phỏng vấn, nhằm giảm sự ngượng ngùng cũng như gây được một ấn tượng tốt khi phỏng vấn.
Dưới đây là các cách bạn có thể áp dụng để nghiên cứu công việc, công ty cũng như thực hành các câu hỏi và câu trả lời phỏng vấn, cách ăn mặc sao cho phù hợp khi đi phỏng vấn, cách giữ liên lạc sau buổi phỏng vấn và các mẹo chuẩn bị cho buổi phỏng vấn khác.
Một trong những điều quan trọng nhất mà chắc chắn các bạn nên làm trước buổi phỏng vấn nếu muốn “đánh đâu thắng đấy” là hãy dành thời gian để nghiên cứu, phân tích bản mô tả công việc mà công ty cung cấp (nếu có). Nếu không có, bạn hãy tìm hiểu về vị trí công việc đó nói chung trên mạng, từ người thân, bạn bè, những người đã từng đảm nhận vị trí công việc đó. Cho dù là cách nào, hãy dành thời gian để thực hiện nó và trong lúc phân tích, các bạn hãy xác định những nhân tố mà công ty đang tìm kiếm ở một ứng viên tiềm năng.
Thêm vào đó, các bạn hãy thiết lập một danh sách những kỹ năng, trình độ học vấn, các phẩm chất cá nhân và chuyên nghiệp được yêu cầu bởi nhà tuyển dụng cũng như là thiết yếu đối với công việc mà bạn quan tâm.
Một khi bạn đã có bản liệt kê các tiêu chuẩn dành cho công việc, hãy rời đến bước kiểm tra xem bạn có thể đáp ứng bao nhiêu yêu cầu trong số đó.
Hãy tạo một danh sách gồm ít nhất 10 khả năng của bạn mà đáp ứng được các yêu cầu trong bản mô tả công việc. Chúng có thể là những kỹ năng, phẩm chất, chứng chỉ, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, khả năng, kỹ năng máy tính và nền tảng kiến thức cơ bản. Hơn nữa, trong lúc phỏng vấn, bạn có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng cách sử dụng một số kỹ năng tuyệt vời nhất của bản thân (đồng thời cũng quan trọng đối với công việc) để làm nổi bật lý do tại sao bạn lại là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí công việc này.
Ngoài ra, các bạn hãy chuẩn bị trước một số ví dụ về kinh nghiệm làm việc trong quá khứ nhằm chứng minh rằng bản thân sở hữu những phẩm chất, kỹ năng này. Như vậy, trong buổi phỏng vấn, khi được yêu cầu miêu tả về một lần hay một khoảng thời gian mà bạn đã sử dụng các kỹ năng hoặc phẩm chất cụ thể đó, bạn sẽ không bị bất ngờ và có thể thể hiện bản thân một cách hoàn hảo, tự tin hơn.
Chú ý: Hãy xem lại tất cả những điều trên bao gồm danh sách các yêu cầu trong công việc, danh sách những kỹ năng mà bạn sở hữu (phù hợp với công việc) và các ví dụ về kinh nghiệm làm việc của bạn trong quá khứ trước lúc phỏng vấn để chuẩn bị bản thân sẵn sàng nhất có thể.
Một khi bạn đã chuẩn bị kỹ càng như vậy, bạn sẽ có thể dễ dàng trả lời các loại câu hỏi phỏng vấn xin việc hành vi và tình huống một cách sẵn sàng, tự tin. Những loại câu hỏi này được thiết kế để quyết định xem liệu bạn có đủ các kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và kinh nghiệm làm việc cần thiết để đảm đương vị trí công việc hay không.
Đương nhiên, sẽ không có nhà tuyển dụng nào muốn tuyển một nhân viên không hiểu biết tí gì về công ty cũng như công việc mà họ đang phỏng vấn. Vì vậy, ngoài việc tìm hiểu về công việc, một điều quan trọng khác mà các bạn cần làm để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn là hãy nghiên cứu về công ty càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều khi nhà tuyển dụng đưa ra các câu hỏi cho bạn về công ty trong buổi phỏng vấn. Hơn nữa, nhờ vậy, các bạn có thể sẽ phát hiện ra bản thân còn những thắc mắc chưa được giải đáp về công ty và nhắc đến chúng vào cuối buổi phỏng vấn. Hãy nhớ rằng phỏng vấn xin việc là một buổi phỏng vấn hai chiều. Vì vậy, các bạn cũng hãy tự xác định xem liệu công ty đó, môi trường làm việc đó có thật sự phù hợp với bản thân mình hay không.
Để làm được điều này, bạn cần kiểm tra phần giới thiệu chung trên trang web chính thức của mỗi công ty. Bạn cũng có thể tìm hiểu về công ty thông qua danh tiếng của công ty trên thị trường, các bài viết về công ty, báo cáo tài chính, các bài so sánh giữa những công ty cùng ngành trên báo hoặc trên mạng. Hãy hỏi thêm nhiều thông tin liên quan từ những người đang làm việc tại công ty, các khách hàng của công ty, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.
Ngoài ra, nếu có thể, hãy vận dụng các mối quan hệ của bạn để xác định xem liệu mặt bằng chung của những ứng viên cạnh tranh vào vị trí công việc đó là như thế nào. Từ đó, bạn có thể xác định được các phương pháp hiệu quả, đúng hướng hơn, làm bản thân trở nên nổi bật hơn.
Giống như việc làm bài kiểm tra, ngay cả khi bạn đã học thuộc câu trả lời, bạn vẫn sợ bản thân sẽ quên chúng, từ đó cảm thấy căng thẳng, lo lắng và có thể dẫn đến kết quả kém hơn mong đợi. Phỏng vấn xin việc cũng vậy, để tránh điều này, các bạn hãy dành thời gian để thực hành trả lời các loại câu hỏi phổ biến, có thể sẽ gặp phải trong buổi phỏng vấn xin việc. Điều này sẽ giúp xoa dịu tinh thần, sự căng thẳng của bạn, khiến bạn cảm thấy tự tin, thoải mái hơn khi đưa ra câu trả lời, vì giờ đây, bạn sẽ không phải căng não ra suy nghĩ xem nên nói điều gì trước hoặc nên nói như thế nào nữa.
Chú ý: Thực hành phỏng vấn xin việc trước với một người bạn hoặc các thành viên trong gia đình sẽ khiến việc phỏng vấn thật trở nên quen thuộc, dễ thở hơn.
Hãy mô phỏng các buổi phỏng vấn thực hành sao cho chân thật, giống với các buổi phỏng vấn chính thức nhất có thể. Ví dụ, nếu hình thức phỏng vấn của bạn là qua điện thoại, hãy nhờ một người bạn gọi và thực hành trả lời các câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại. Còn nếu bạn phỏng vấn dưới hình thức thi tuyển, có ban giám khảo, hãy nhờ một vài người bạn hay các thành viên trong gia đình đóng giả làm ban giám khảo và thực hành cùng bạn.
Nếu bạn phỏng vấn online qua mạng hay video, hãy đảm bảo rằng bạn biết sử dụng các phần mềm công nghệ đó một cách thành thạo. Hãy nghĩ về các câu hỏi có thể xảy ra cùng các câu trả lời cho chúng, bạn sẽ trả lời chúng như thế nào, với thái độ và tác phong ra sao để chuẩn bị bản thân kỹ càng trước buổi phỏng vấn.
Đừng đợi đến giây phút cuối cùng mới chuẩn bị quần áo cho buổi phỏng vấn của bạn. Bạn nên có một vài bộ đồ chuyên dụng (thích hợp) để mặc đi phỏng vấn bất kỳ lúc nào. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian phải nghĩ xem lần này mình nên mặc gì khi đi phỏng vấn. Với khoảng thời gian đó, bạn có thể luyện tập trả lời câu hỏi thêm vài lần nữa.
Chú ý: Cho dù bạn đang chuẩn bị phỏng vấn cho bất kỳ loại vị trí công việc nào, ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Các bạn hãy lựa chọn trang phục thích hợp với thể loại công việc và vị trí mà bạn đang muốn ứng tuyển.
Nếu bạn muốn ứng tuyển vào một vị trí công việc có môi trường làm việc thông thường, thoải mái hơn một chút như các vị trí làm việc tại cửa hàng hay nhà hàng, điều bạn cần chú trọng khi lựa chọn các bộ trang phục là sự gọn gàng, sạch sẽ, chỉnh chu và thể hiện được một hình ảnh tích cực trong mắt nhà tuyển dụng. Còn nếu bạn ứng tuyển vào một vị trí công việc có môi trường làm việc trang trọng hơn, bạn cần lựa chọn những bộ trang phục công sở phù hợp, thể hiện được tính chuyên nghiệp hơn.
Hơn nữa, các bạn cũng nên quyết định trước lối trang điểm cùng các phụ kiện đi kèm sao cho phù hợp với bộ trang phục trước buổi phỏng vấn.
Đây cũng là một điều quan trọng mà bạn cần quan tâm chuẩn bị trước buổi phỏng vấn - đừng mang thiếu giấy tờ. Bạn cần đảm bảo đã chuẩn bị trước những thứ như bản portfolio của mình, bản sao CV, các tài liệu nhận xét từ công ty trước, danh sách các câu hỏi mà bạn muốn hỏi nhà tuyển dụng, và giấy bút để bạn có thể ghi lại thông tin nếu cần bất kỳ lúc nào.
Bạn cũng cần xác định những thứ không nên mang theo đến buổi phỏng vấn, bao gồm cả vấn đề về điện thoại di động (hãy tắt chuông - rung khi đang phỏng vấn đề thể hiện sự tôn trọng của bạn với nhà tuyển dụng), một cốc cà phê, kẹo cao su hoặc bất kỳ thứ gì khác ngoài bản thân cùng các giấy tờ tùy thân để chứng minh thân phận bạn.
Cách bạn thể hiện bản thân thông qua cử chỉ, hành động trong phỏng vấn rất quan trọng. Hãy nhớ chào hỏi lễ tân, người phỏng vấn và tất cả những người khác mà bạn gặp trên đường một cách lịch sự, vui vẻ và nhiệt tình.
Trong cuộc phỏng vấn, hãy:
Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của bạn
Bắt tay thật chắc chắn
Giao tiếp bằng mắt khi đang làm rõ quan điểm của bạn
Chú tâm vào buổi phỏng vấn
Chủ động phối hợp tốt với người phỏng vấn
Thể hiện sự hứng thú
Đây là những điều mà bạn có thể thực hành trong phần luyện tập của mình.
Hãy nhớ rằng ngoài những tác phong, cử chỉ cơ bản như trên, mỗi loại phỏng vấn khác nhau sẽ có những tác phong, cử chỉ riêng cần chú ý khác như phỏng vấn qua điện thoại hay qua video call,... Vì vậy, các bạn hãy luyện tập thật kỹ trước để tránh những lỗi dễ mắc phải của từng loại hình phỏng vấn nhé!
Chú ý: Hãy thể hiện thái độ tích cực và tươi sáng nhất có thể trong buổi phỏng vấn, điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng tốt đối với bạn.
Nếu bạn thực hiện phỏng vấn dưới hình thức gặp mặt trực tiếp, hãy tìm hiểu về địa điểm nơi sẽ diễn ra buổi phỏng vấn và các phương thức giúp bạn đến được đó. Bằng cách này, bạn sẽ tránh được việc bị trễ buổi phỏng vấn. Hãy xem chỉ dẫn Google Maps hay hỏi người khác trước nếu bạn không biết hay không quen thuộc với khu vực diễn ra buổi phỏng vấn.
Bạn hãy tìm hiểu xem đường đến đó có hay bị tắc không, đâu là con người nhanh nhất dẫn đến địa điểm, bạn có thể đậu xe ở đâu,.. Hãy dự tính tất cả các trường hợp có thể xảy ra và thông báo trước với người phỏng vấn nếu bạn không thể đến kịp giờ. Đừng đợi đến khi quá thời gian gặp mặt rồi mới gọi báo.
Nếu có thể, bạn hãy đến thử địa điểm phỏng vấn trước khi buổi phỏng vấn diễn ra để đảm bảo rằng bạn đã nắm được đường đi. Hơn nữa, bạn sẽ dự tính được khoảng thời gian cần bỏ ra để đi đến đấy. Đến ngày phỏng vấn chính thức, bạn hãy cố gắng đến sớm một chút để phòng trừ những trường hợp hi hữu, bất ngờ có thể xảy ra và cũng là để sửa soạn lại bản thân một chút trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu.
Trước buổi phỏng vấn, bạn cũng nên xác nhận lại với nhà tuyển dụng về địa điểm cũng như thời gian diễn ra buổi phỏng vấn.
Trong một buổi phỏng vấn xin việc, việc lắng nghe cũng quan trọng như việc trả lời các câu hỏi được đưa ra bởi nhà tuyển dụng. Nếu bạn không chú ý lắng nghe, bạn sẽ không thể xác định được trọng tâm câu hỏi và đưa ra một câu trả lời tốt được.
Điều quan trọng là bạn phải lắng nghe người phỏng vấn, chú ý và dành thời gian (nếu cần thiết) để sắp xếp và đưa ra một câu trả lời thích hợp. Bạn cũng nên gây ấn tượng với người phỏng vấn bằng cách thảo luận về những điểm mạnh, trình độ học vấn nổi bật của bản thân.
Ngoài ra, hãy sẵn sàng để chủ động tương tác người phỏng vấn. Bạn sẽ muốn có sự cho và nhận trong mọi cuộc trò chuyện, vì vậy, hãy xác định rằng bạn đang xây dựng mối quan hệ với người phỏng vấn thông qua cơ hội này, thay vì chỉ máy móc trả lời một vài câu hỏi. Chuẩn bị sẵn sàng các câu hỏi của riêng bạn để hỏi người phỏng vấn khi thời điểm đến.
Chú ý: Vào cuối buổi phỏng vấn, hãy tạo dấu ấn bằng cách cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn thật sự có hứng thú với vị trí công việc này và bạn tin rằng bản thân sẽ là ứng cử viên phù hợp nhất cho nó.
Bạn sẽ biết liệu buổi phỏng vấn có diễn ra một cách tốt đẹp hay không nếu nó kéo dài hơn 30 phút, bạn có thảo luận thêm về mức lương hoặc bạn nhận được lời mời phỏng vấn cho vòng thứ hai.
Thông qua một email cảm ơn, bạn có thể cập nhật được tình hình và một lần nữa nhắc lại với người phỏng vấn về hứng thú cũng như sự khao khát của bản thân đối với vị trí công việc.
Hãy coi email cảm ơn của bạn như một email “chào hàng”, giúp bạn quảng bá bản thân hơn nữa. Hãy trình bày lại một cách ngắn gọn lý do tại sao bạn muốn làm công việc này, trình độ của bạn là gì, bạn sẽ đóng góp được gì cho công ty,...
Email cảm ơn này cũng là một cơ hội hoàn hảo để bạn thảo luận về bất kỳ điều gì quan trọng mà người phỏng vấn đã bỏ qua không hỏi đến hoặc bạn đã không trả lời một cách thấu đáo, đầy đủ và tốt như mong muốn trong buổi phỏng vấn. Chúc các bạn may mắn với buổi phỏng vấn xin việc của mình.
Bạn cần biết cách chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn xin việc để có thể tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn, từ đó giúp bạn tìm được việc làm nhanh chóng.
MỤC LỤC
14/07/2023
13/07/2023
11/04/2023
22/03/2023