Một bộ kỹ năng chính là những kiến thức, khả năng và kinh nghiệm cần thiết để thực hiện được một loại công việc nhất định. Các lĩnh vực cụ thể của bộ kỹ năng có thể bao gồm kỹ năng giao tiếp, quan hệ giữa người với người, nghiên cứu và lập kế hoạch, kế toán, lãnh đạo, quản lý và kỹ năng máy tính. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu xem bộ kỹ năng là gì, các loại và ví dụ cũng như cách phát triển của bộ kỹ năng.
MỤC LỤC
Tìm hiểu bộ kỹ năng là gì?
Một bộ kỹ năng chính là sự kết hợp giữa các loại kiến thức, phẩm chất cá nhân và khả năng mà bạn đã phát triển được trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong công việc của mình. Thông thường, bộ kỹ năng sẽ là sự kết hợp của hai loại kỹ năng: kỹ năng mềm và kỹ năng cứng.
Kỹ năng mềm là các loại kỹ năng cá nhân giữa con người với nhau. Tuy chúng hơi khó để định nghĩa nhưng các bạn có thể hiểu rằng chúng có liên quan đến tính cách của một người và khả năng làm việc với các cá nhân khác của người đó (đạt được thông qua kinh nghiệm và rèn luyện). Vì vậy, bộ kỹ năng ở đây sẽ bao gồm khả năng giao tiếp tốt, kỹ năng lắng nghe, biết chú ý đến từng chi tiết, tư duy phản biện, sự đồng cảm và khả năng giải quyết xung đột, cùng một số các kỹ năng kết hợp khác.
Kỹ năng cứng là những kỹ năng có thể định hướng và dạy được (học theo kiến thức sách vở). Chúng bao gồm những kiến thức chuyên môn nhất định và các khả năng căn bản cần thiết dành cho một công việc cụ thể. Ví dụ như các kỹ năng về lập trình máy tính, kế toán, toán học và phân tích dữ liệu.
Cách thức hoạt động của bộ kỹ năng
Thông thường, mỗi ngày tại nơi làm việc, bạn sẽ sử dụng một loạt các kỹ năng cứng, mềm nhất định. Trong các kỹ năng đó, một số đã là đặc thù sẵn của công việc. Ví dụ, các nhà tạo mẫu tóc sẽ sử dụng những kiến thức của họ về kỹ thuật tạo màu tóc hay các nhân viên kế toán tiền lương sẽ sử dụng những kỹ năng về phần mềm kế toán của họ. Bạn có thể học được những kỹ năng này thông qua phương pháp đi học truyền thống hoặc bằng cách tham gia các lớp đào tạo của những giáo viên giỏi.
Bạn cũng có thể áp dụng một số kỹ năng cứng không liên quan trực tiếp tới công việc, ví dụ như bạn có thể sử dụng kỹ năng giao tiếp bằng văn bản của mình để tạo một email nhằm theo dõi tiến trình của một dự án quan trọng. Hay bạn có thể sử dụng kỹ năng giao tiếp bằng lời nói của mình để trình bày ý tưởng của một dự án mới với người quản lý.
Bạn cũng có thể sử dụng các kỹ năng mềm mà bản thân đã phát triển được thông qua những kinh nghiệm làm việc trong quá khứ, ở trường học và trong các công việc tình nguyện khác. Chúng có thể là các kỹ năng giải quyết vấn đề hay xử lý xung đột với khách hàng.
Chú ý: Một điểm khác biệt đặc trưng giữa các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm đó là bạn sẽ có thể dễ dàng liệt kê các loại kỹ năng cứng trên sơ yếu lý lịch của mình, trong khi đó, những kỹ năng mềm sẽ được thể hiện một cách rõ ràng hơn khi bạn tham gia phỏng vấn xin việc trực tiếp.
Dưới đây là một số ví dụ về các bộ kỹ năng mà nhà tuyển dụng có khả năng cao sẽ tìm kiếm ở ứng viên dựa trên trọng tâm nghề nghiệp của họ. Hãy rèn luyện, phát triển những kỹ năng này và nhấn mạnh chúng trong đơn đăng ký, sơ yếu lý lịch, thư xin việc và buổi phỏng vấn của bạn.
Bộ kỹ năng cần có dành cho các công việc hành chính
Kỹ năng quản trị là những kỹ năng có liên quan đến việc điều hành một doanh nghiệp hoặc giữ một phòng ban có tổ chức, trật tự. Những kỹ năng này đều rất cần thiết cho nhiều loại công việc khác nhau, từ trợ lý văn phòng, thư ký đến quản lý phòng ban. Bộ kỹ năng ở đây có thể bao gồm:
Giao tiếp bằng văn bản và bằng lời nói
Giao tiếp cá nhân (cử chỉ, hành động...)
Dịch vụ khách hàng
Quản lý tài liệu
Sử dụng Microsoft Office
Sử dụng phần mềm dành riêng cho công việc
Điều phối công việc
Tổ chức sự kiện
Quản lý thời gian
Giải quyết vấn đề
Hợp tác
Bộ kỹ năng cần thiết cho nhanh viên bán hàng
Bán hàng là một nghề nghiệp đặc trưng, đòi hỏi nhiều công sức và sự cố gắng đến từ nhiều mặt khác nhau. Ngoài khả năng bán hàng, nhân viên còn cần sở hữu kỹ năng giao tiếp, dịch vụ khách hàng và tiếp thị tốt, xuất sắc. Bộ kỹ năng cần thiết ở đây có thể bao gồm:
Quản lý kế toán
Thu hút và giữ chân khách hàng
Quản lý nhóm
Quản lý dự án
Quản lý quan hệ khách hàng (CRM)
Biết lắng nghe một cách tích cực
Đàm phán
Thuyết phục
Kết nối, tạo dựng mạng lưới khách hàng
Nói trước đám đông
Trí tuệ cảm xúc
Xây dựng thương hiệu
Hợp tác
Các bộ kỹ năng dành cho ngành giáo dục
Các bạn cũng sẽ cần phát triển kỹ năng một cách toàn diện từ nhiều phía bao gồm cả khả năng lãnh đạo, lòng nhân ái đến kỹ năng tổ chức công việc, sử dụng máy tính,... để có thể trở thành một giáo viên giỏi. Bằng cách làm nổi bật các đặc điểm chính này trong sơ yếu lý lịch và buổi phỏng vấn, bạn sẽ thu hút, gây ấn tượng được với rất nhiều ngôi trường nơi bản thân đang nộp đơn xin việc. Bộ kỹ năng thiết yếu mà bạn cần phát triển bao gồm:
Hợp tác
Quản lý lớp học
Giao tiếp bằng văn bản và bằng lời nói
Giao tiếp cá nhân (cử chỉ, hành động...)
Biết lắng nghe một cách tích cực
Khả năng lãnh đạo
Quản lý thời gian
Tổ chức công việc
Sự linh hoạt
Kỹ năng tin học
Kỹ năng phân tích, đánh giá sự việc
Kỹ năng hướng dẫn
Nói trước đám đông
Bộ kỹ năng dành cho ngành công nghệ thông tin
Có rất nhiều ngành nghề, công việc khác nhau trong lĩnh vực CNTT. Vì mỗi công ty đều có các nhu cầu khác nhau, yêu cầu tuyển dụng của họ đối với cùng một vị trí nghề nghiệp có thể cũng sẽ khác nhau. Ví dụ, cùng là một vị trí lập trình viên, một số nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu ứng viên phải có các kiến thức chuyên môn sâu về một ngôn ngữ lập trình hay một chương trình cụ thể, trong khi đó, những người khác có thể đang tìm kiếm một ứng viên với bộ kỹ năng tổng quát hơn. Bộ kỹ năng ở đây có thể bao gồm:
Hợp tác
Giao tiếp bằng văn bản và bằng lời nói
Truyền đạt thông tin phức tạp theo cách đơn giản
Thiết lập IP
Sử dụng modem/bộ định tuyến không dây
Điện toán đám mây
Javascript
Ngôn ngữ lập trình
An ninh mạng
Kết nối mạng
Phân tích
Quản lý dự án
Cùng lúc làm nhiều nhiệm vụ (đa nhiệm)
Tư duy phản biện
Bộ kỹ năng cần có để làm việc ngành y tế sức khỏe
Các y tá và chuyên gia chăm sóc sức khỏe cần sở hữu một số kỹ năng nhất định để đạt được thành công. Họ phải có khả năng thực hiện một số các quy trình nhất định (ví dụ như tiêm chủng và lấy máu), có sự hiểu biết về công nghệ cũng như biết cách sử dụng các kỹ năng mềm để kết nối với bệnh nhân và đồng nghiệp. Bộ kỹ năng trong trường hợp này bao gồm:
Khả năng thích ứng
Phân tích tình huống
Áp dụng các nghiên cứu vào thực hành y tế
Sự chú ý đến từng chi tiết (tinh tế, cẩn thận)
Hợp tác
Chẩn đoán, xác định vấn đề
Phát triển kế hoạch chăm sóc bệnh nhân
Khả năng lãnh đạo
Biết lắng nghe một cách tích cực
Tính toán
Cùng lúc làm nhiều nhiệm vụ (đa nhiệm)
Tổ chức công việc
Giải quyết vấn đề
Hiểu và biết cách áp dụng các luật lệ, quy tắc
Tìm tòi, nghiên cứu
Quản lý thời gian
Phương pháp để rèn luyện bộ kỹ năng
Một số loại kỹ năng sẽ chỉ có thể đạt được thông qua đào tạo chính thức. Trong các trường hợp như vậy, có thể bạn sẽ phải lấy được một bằng cấp hay học một chứng chỉ để đạt được những kỹ năng cần thiết.
Các loại kỹ năng khác, như kỹ năng mềm, là những kỹ năng mà bạn sẽ phải phát triển trong suốt quá trình làm việc, tích lũy kinh nghiệm của mình. Rất hiếm khi bạn sinh ra đã sở hữu sẵn những kỹ năng mềm như vậy rồi. Dưới đây là một số cách để giúp bạn xác định được những kỹ năng cốt lõi của mình:
Xác định loại công việc bạn yêu thích: Hãy tìm ra đâu là loại công việc bạn thích làm và bạn cảm thấy bản thân có năng lực, có thể làm được. Có thể bạn sẽ yêu thích những vị trí công việc nơi bạn sử dụng được những kiến thức chuyên môn có sẵn về ngành nghề cũng như có thể áp dụng được các kỹ năng giao tiếp, xử lý yêu cầu một cách bình tĩnh của mình. Những thế mạnh này có thể được thể hiện dưới dạng các câu liệt kê kỹ năng như “kỹ năng giao tiếp tốt’ hay “khả năng chăm sóc khách hàng xuất sắc” trong sơ yếu lý lịch hay những lần đi phỏng vấn trực tiếp của bạn.
Chú ý đến những lời khen ngợi mà bạn nhận được: Khi làm việc trong một môi trường chung, hãy luôn để ý và xác định những hành động của bạn mà dẫn đến lời khen ngợi từ người khác. Có thể là bạn liên tục nhận được những lời khen ngợi trong buổi đánh giá hiệu suất nhóm nhờ vào khả năng hợp tác tuyệt vời của mình với các đồng nghiệp khác. Có thể là các quản lý trước đã đề cao khả năng hoàn thành công việc một cách nhanh chóng nhưng vẫn chú ý đến từng chi tiết của bạn.
Đánh giá từng loại công việc khác nhau mà bạn đã trải nghiệm: Hãy xem bản mô tả công việc của tất cả những vị trí mà bạn đã đảm nhận. Những kỹ năng chung và riêng nào được nhấn mạnh trong đó? Nếu bạn đã đạt được một số thành công ở những vị trí đó, nó có nghĩa là các kỹ năng của bạn đã được tôi luyện đến một tầm nhất định và bạn sẽ muốn sử dụng chúng để thể hiện kinh nghiệm, gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng trong quá trình tìm việc của mình.
Sử dụng các công cụ đánh giá mức độ kỹ năng trên mạng: Hãy sử dụng một công cụ miễn phí online để đánh giá trước kỹ năng của bạn. Ví dụ như công cụ tìm kiếm kỹ năng của O*NET Online sẽ giúp bạn xác định được những nghề nghiệp phù hợp với các kỹ năng và sở thích của bản thân. Hay như công cụ Skill Matcher của CareerOneStop, nó sẽ hướng dẫn bạn cách lựa chọn các nghề nghiệp phù hợp dựa trên thứ tự bạn xếp hạng những kỹ năng cá nhân của bản thân mình. Các bạn cũng có thể làm nhiều bài kiểm tra, đánh giá kỹ năng của mình trên LinkedIn. Với LinkedIn, bạn sẽ có thể cùng lúc vừa thẩm định những kỹ năng, vừa thêm chúng vào sơ yếu lý lịch của mình.
Chú ý: Nếu bạn đang muốn bắt đầu một công việc mới và chưa sở hữu một bộ kỹ năng cần thiết cho công việc đó, hãy cân nhắc thử phương pháp trao đổi kỹ năng: Bạn có thể chia sẻ một số kỹ năng nổi trội của mình cho một người khác, và người đó cũng sẽ chia sẻ lại với bạn những kỹ năng nổi trội của họ mà quan trọng đối với công việc bạn đang tìm kiếm.
Bộ kỹ năng là những kiến thức, khả năng và kinh nghiệm cần thiết để khi bạn phối hợp chúng lại, bạn có thể thực hiện một công việc nào đó.
Một bộ kỹ năng bao gồm cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
Nhân viên nên sử dụng tốt những kỹ năng trong công việc mà họ có được thông qua kinh nghiệm và đào tạo.
Các nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm những ứng viên có cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về những kỹ năng của mình thông qua các nhận xét, đánh giá thường ngày của người khác về bạn trong công việc hoặc bằng các công cụ đánh giá kỹ năng trực tuyến.
MỤC LỤC
14/07/2023
13/07/2023
11/04/2023
22/03/2023