Tình thái từ được sử dụng trong tiếng Việt để giúp người đọc, người nghe hiểu rõ hơn nội dung, vấn đề, thái độ bạn muốn trình bày. Tìm hiểu về tình thái từ và chức năng của nó qua bài viết dưới đây của Vieclam123.vn nhé.
Tình thái từ là những từ được thêm vào để tạo thành câu nghi vấn, câu cầu khiến hay câu cảm thán để biểu thị sắc thái tình cảm của người nói. Ví dụ về tình thái từ như “à, hả, hử, chăng, đi, nào, thôi, nhé, nghe, thay, sao, thật,..”
Một câu có chứa tình thái từ sẽ có cấu trúc như sau:
Câu trần thuật: Ông nội đi câu cá.
Câu hỏi: Ông nội đi câu cá à? => Trong câu có chứa tình thái từ “à” thành câu nghi vấn.
Câu cầu khiến: Ông nội đi câu cá đi. => Tình thái từ “đi” khiến câu trần thuật thành câu cầu khiến.
Một số tình thái từ thường được sử dụng ở vùng Nam Bộ của Việt Nam như “ha, há, hén, nghen, hà, mừ, đa,..”
Ví dụ:
Chân đau lắm ha? (tình thái từ “ha” tương đương với tình thái từ “hả” trong từ ngữ toàn dân)
Trời mát quá chú Năm há?( “há” tương đương với “nhỉ”)
Hôm nay câu được nhiều cá quá hén! (“hén” tương đương với nhỉ)
Nhớ ghé thăm tôi nghen! (“nghen” tương đương với “nhé”
Bữa này coi bộ làm ăn khó dữ đa. (“đa” tương đương với nhỉ)
Tình thái từ giúp câu nói thể hiện được mục đích của người nói, dùng để hỏi, cầu khiến hay cảm thán.
Tình thái từ có chức năng cấu tạo câu nghi vấn gồm các từ như: “hả, hử, à, ừ, chăng,..”
Ví dụ:
Cô không có nhà ạ?
Bạn đến trường sớm vậy hả?
Hôm nay cậu không đi học à?
Cậu Tư lại đi câu cá rồi chăng?
Tình thái từ có chức năng tạo câu cầu khiến gồm các từ như “đi, nào, thôi, nhé, nghe,..”
Ví dụ:
Cho tớ cái cây này đi!
Chúng ta đi nào!
Về nhà thôi!
Giúp tớ giải bài toán này nhé!
Lát anh về trước đi chợ nghe!
Tình thái từ có chức năng tạo câu cảm thán với các từ như “thay, sao thật”
Ví dụ:
Thương thay!
Các tình thái từ biểu thị sắc thái tình cảm như “à, a, nhé, cơ mà,...”
Ví dụ:
Em về nhé (thể hiện sự trìu mến, thân mật)
Em về vậy! (thể hiện sự miễn cưỡng)
Em về đây (Thể hiện sự thông báo, nhấn mạnh)
Tình thái từ được sử dụng trong những tình huống giao tiếp cụ thể để đạt được hiệu quả giao tiếp cao nhất. Tùy từng trường hợp và thái độ muốn biểu hiện mà chúng ta sẽ sử dụng những tình thái từ khác nhau.
Khi muốn thể hiện thái độ lịch sự, lễ phép, đặc biệt khi giao tiếp với người hơn tuổi, chúng ta có thể sử dụng những tình thái từ như “ạ”
Ví dụ:
Cháu chào bác ạ.
Bác có gì sai bảo ạ?
Cháu xin phép ông ra ngoài chơi một lát ạ.
Với những mối quan hệ ngang hàng, muốn thể hiện sự thân mật, gần gũi, chúng ta có thể sử dụng tình thái từ như “nhé, à”
Ví dụ:
Cho mình mượn cục tẩy nhé?
Quyển sách này là của cậu à?
Chiều nay đến nhà mình chơi nhé.
Khi đang giao tiếp mà muốn hướng tới một đối tượng khác thì chúng ta có thể sử dụng tình thái từ như “này, kia”
Ví dụ:
Cậu ấy rất thích đôi giày này.
Nghe nói đang có chương trình khuyến mãi ở cửa hàng kia
Khi muốn biểu thị thái độ miễn cưỡng chấp nhận, chúng ta thường sử dụng tình thái từ “vậy”
Ví dụ:
Ừ thôi đành vậy.
Thôi cứ theo kế hoạch ban đầu vậy
Khi muốn bày tỏ sự quan tâm, giải thích, chúng ta nên dùng từ “mà”.
Ví dụ:
Vẫn còn rất nhiều cơ hội phía trước mà.
Lớp chúng ta hôm nay được nghỉ mà.
Bài tập 1: Xác định tình thái từ trong những ví dụ sau
1. Con nín đi! U đã về rồi đây mà
2. Ông nhà đã khỏe hẳn rồi chứ ạ?
3. Nếu mày không đóng đủ tiền, thì ông dỡ cả nhà mày đi chứ chỉ chửi thôi à!
4. Nào đi tới! Bác Hồ đã nói
Phút giao thừa, tiếng hát đêm xuân?
(Tố Hữu)
5. Cứu tôi với! Bà con ơi!
6. Cô tặng em. Về trường mới, em cố gắng học tập nhé!
(Khánh Hoài)
7. Bà lão láng giềng lại lật đật chạy sang!
- Bác trai đã khá rồi chứ?
(Ngô Tất Tố)
8. Thủy lấy con Vệ sĩ ra đặt lên giường tôi, rỗi bỗng ôm ghì lấy con búp bê hôn gấp gáp lên mặt nó rồi thì thào:
- Vệ sĩ thân yêu ở lại nhé! Ở lại gác cho anh tao ngủ nhé! Xa mày con Em nhỏ sẽ buồn lắm đấy, nhưng biết làm thế nào…
(Khánh Hoài)
Đáp án:
1. đi, mà
2. Chứ, ạ
3. à
4. nào
5. ơi, với
6. nhé
7. chứ
8. nhé
Bài tập 2: Trong những câu dưới đây, câu nào thể hiện đúng chuẩn mực giao tiếp của người Việt Nam, câu nào chưa, vì sao?
- Cháu ăn rồi
- Con đi học đây
- Cảm ơn bác!
- Chào bác!
Đáp án:
Các câu trên đều là câu giao tiếp của người ít tuổi hơn với bậc trên mình, vì vậy cần thêm tình thái từ phù hợp để thể hiện sự kính trọng, lễ phép. Sửa lại như sau mới được xem là đúng chuẩn mực giao tiếp của người Việt Nam:
-Cháu ăn rồi ạ
-Con đi học đây ạ
-Cháu cảm ơn bác ạ
-Cháu chào bác ạ
Như vậy, qua bài viết chắc hẳn bạn đã hiểu hơn về tính thái từ là gì và cách sử dụng của nó trong tiếng Việt rồi chứ. Vieclam123.vn chúc các bạn học tốt hơn.
>> Xem thêm tin:
15/07/2022
13/07/2022
14/06/2022
03/06/2022