Một trong những đề văn quen thuộc ở cấp trung học cơ sở là Thuyết minh về danh lam thắng cảnh. Vì thế, bài viết này xin gửi đến bài văn mẫu thuyết minh về một danh lam thắng cảnh để bạn đọc có thể làm đề văn này tốt hơn. ĐỀ BÀI: Hãy thuyết minh một danh lam thắng cảnh mà bạn biết
MỤC LỤC
Dù bạn viết về danh lam thắng cảnh nào đi chăng nữa, thì để đạt được điểm số cao trong các kỳ thi, bạn cũng cần nắm được một số cách viết cơ bản sau để đảm bảo đủ ý và thu hút. Cụ thể dàn ý chi tiết cho một bài thuyết minh về một danh lam thắng cảnh sẽ được triển khai như sau:
Dẫn dắt để giới thiệu về danh lam thắng cảnh được nhắc tới, bạn có thể giới thiệu một cách trực tiếp, hoặc dẫn dắt gián tiếp từ những câu thơ, câu văn hay về danh lam thắng cảnh đó.
Ví dụ:
-Khi muốn nói về Bắc Kạn với hồ Ba Bể:
“Bắc Kạn có suối đãi vàng
Có hồ Ba Bể có nàng áo xanh”
-Khi muốn giới thiệu về thành Cổ Loa, tại huyện Đông Anh, Hà Nội, bạn có thể mở đầu bằng câu thơ:
“Cổ Loa là đất Đế Kinh”
Trông ra lại thấy tòa thành Tiên xây”
-Khi muốn nói về xứ Nghệ:
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”
=> Sau khi đã dẫn dắt từ một câu thơ hoặc câu ca dao có liên quan đến địa danh được nhắc tới, bạn cần nêu lên cảm nghĩ khái quát về danh lam thắng cảnh đó.
Phần thân bài bạn cần đảm bảo nêu đủ những ý chính sau đây:
Ý 1: giới thiệu khái quát những thông tin cơ bản về danh lam thắng cảnh như:
-Vị trí địa lí, thuộc tỉnh, thành phố nào của đất nước
-Phương tiện di chuyển đến địa điểm đó từ một vị trí nhất định
Ý 2: Giới thiệu về lịch sử hình thành
-Thời gian hình thành của danh lam thắng cảnh đó, được xây dựng từ thời nào, ý nghĩa của lịch sử hình thành.
-Có thể nêu lên những thần thoại dân gian (nếu có) đề bài văn sáng tạo và thu hút hơn.
Ý 3: Giới thiệu về kiến trúc cảnh vật có gì nổi bật
-Cấu trúc gồm mấy phần, bao gồm những khu vực nào
-Có gì đặc biệt trong kiến trúc xây dựng mà du khách cần chú ý quan sát không.
Ý 4: ý nghĩa đối với địa phương và đối với đất nước của danh lam thắng cảnh đó
-Ý nghĩa về du lịch, kinh tế, văn hóa, xã hội
-Ý nghĩa về văn hóa, tinh thần, những giá trị cần được bảo tồn.
-Khẳng định lại giá trị của danh lam thắng cảnh được nhắc tới
-Nêu cảm nghĩ của bản thân người viết.
BÀI LÀM
Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam luôn nổi tiếng là đất nước nhận được nhiều ưu ái của mẹ thiên nhiên vì có rất nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp trải dài ở khắp các vùng miền. Phong Nha – Kẻ Bàng, đảo ngọc Phú Quốc, vịnh Nha Trang,…tất cả đều là những điểm đến quen thuộc đối với khách du lịch ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, khi nói đến danh lam thắng cảnh ở Việt Nam, không thể không kể đến Vịnh Hạ Long – một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới được UNESCO công nhận.
Về vị trí địa lý, Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ có vị trí tại phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ. Đây là một khu vực nằm trong biển Đông Bắc Việt Nam. Về vị trí địa lý hành chính, Vịnh Hạ Long thuộc sự quản lý của cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh.
Theo các nhà khoa học, lịch sử hình thành của Vịnh Hạ Long bắt đầu từ khoảng 500 triệu năm trước qua những quá trình biến đổi địa chất phức tạp như tạo sơn, biển thoái, sụt chìm, biển tiến,… Khu vực Vịnh Hạ Long đã từng là biển sâu vào các kỷ Ordovic – Silua (khoảng 500 – 410 triệu năm trước), là biển nông vào các kỷ Cacbon – Pecmi (khoảng 340 – 250 triệu năm trước), biển ven bờ vào cuối kỷ Paleogen, đầu Neogen (khoảng 26 – 20 triệu năm trước) và trải qua một số lần biển lấn trong kỷ Nhân sinh (khoảng 2 triệu năm trước). Kết quả của quá trình biến đổi kéo dài đã biến Vịnh Hạ Long trở thành một quần thể các đảo (bao gồm 1900 hòn đảo, chủ yếu là các đảo đá vôi) và hệ thống hang động trầm tích với tổng diện tích khoảng hơn 1.553km².
Tuy nhiên, người dân bản địa ở nơi đây thường truyền tai nhau rằng, sự hình thành của Vịnh Hạ Long là gắn liền với truyền thuyết về sự xuất hiện của thần Rồng. Truyền thuyết kể lại rằng, vào thời kỳ xa xưa khi đất Việt bị giặc ngoại xâm chiếm đánh, Ngọc Hoàng vì muốn giúp dân Việt đánh đuổi giặc ngoại xâm đã lệnh cho Rồng mẹ mang theo chín đứa con của mình hạ phàm. Rồng mẹ và đàn Rồng con xuống hạ giới vừa lúc thuyền của giặc đã đã ào ạt tiến vào biển của nước ta. Thấy vậy, Rồng mẹ đã phun ra những cột lửa cao hàng trăm mét để thiêu cháy thuyền địch. Đàn Rồng con thì phun Châu Ngọc, biến chúng thành những cột đá cứng khiến thuyền địch đâm vào vỡ tan ra từng mảnh, nhờ thế mà đánh tan được sự xâm lược của ngoại bang. Sau khi giặc tan, vì thương dân Việt sống cần cù, chịu thương chịu khó nhưng luôn bị kẻ khác dòm ngó muốn xâm lược, Rồng mẹ và chín đứa con của mình đã không quay về trời mà quyết ở lại vùng nước vừa có trận chiến để muôn đời bảo vệ vùng đất này. Người ta gọi nơi Rồng mẹ nằm lại là vùng Hạ Long; nơi Rồng con nằm được gọi là Bãi Tử Long; vùng nước nơi đuôi Rồng quẫy đạp được gọi là Bạch Long Vỹ.
Vịnh Hạ Long luôn được xem là hòn ngọc quý của Đông Nam Á nhờ vẻ đẹp hài hòa của màu nước xanh ngắt, của quần thể đảo đá vôi và núi đá vôi nổi trên mặt nước. Không những vậy, mẹ thiên nhiên còn ưu ái Vịnh Hạ Long khi tạo ra hệ thống các hang động trên các đảo đá vôi. Hệ thống hang động này đã trải qua hàng ngàn năm biến đổi để có được vẻ đẹp huyền bí, là điểm đến thu hút khách du lịch của Vịnh Hạ Long
Khi nói đến Vịnh Hạ Long, hầu như ai cũng biết đến hang Sửng Sốt. Hang Sửng Sốt có vị trí nổi bật ở ngay vùng trung tâm của đảo Bồ Hòn – một trong những đảo đẹp của Vịnh Hạ Long. Đây được coi là hang động có vẻ đẹp ấn tượng nhất trong các hang động thuộc Vịnh Hạ Long. Du khách có thể đến hang Sửng Sốt thông qua một con đường nhỏ được hình thành bởi các bậc thang đá ghép khá cheo leo. Con đường này nằm dưới các tán lá cây rừng nên trên đường đi, du khách có thể ngắm nhìn thiên nhiên kỳ thú tồn tại xung quanh hang.
Lòng hang được chia thành hai ngăn. Ngăn thứ nhất có diện tích rất rộng, trên trần hang xuất hiện các nhũ đá cực kỳ đẹp mắt. Ngoài ra, trong ngăn này còn có rất nhiều các loại tượng đá hình các loại động vật như voi đá, hải cẩu hoặc các loại thức ăn của người cổ đại như quả bụi, hoa, cỏ,…
Ngăn thứ hai và ngăn thứ nhất được phân định bằng một lối đi khá hẹp. Bước vào qua lối đi này, chúng ta sẽ nhìn thấy được lòng ngăn thứ hai. Kết cấu hang động của ngắn thứ hai khác lạ hoàn toàn so với ngăn thứ nhất. Lòng ngăn thứ hai rộng hơn rất nhiều, có diện tích chứa được từ hàng trăm đến hàng ngàn người. Bên cạnh đó, lòng ngăn thứ hai của hang Sửng Sốt cũng có các tượng đá, tuy nhiên chúng có nội dung gợi nhớ đến truyền thuyết Thánh Gióng của dân tộc, không phải chỉ là những hình tượng chung như ngăn thứ nhất. Các tượng đá này có hình con ngựa, có hình giống thanh gươm dài, đặc biệt còn có những vết khắc giống như dấu chân của Thánh Gióng rất sinh động.
Ngoài hang Sửng Sốt, dãy đảo Bồ Hòn còn nổi tiếng với hai hang động gắn liền với sự tích về câu chuyện tình yêu bi thương giữa một người con trai và một người con gái, đó là hang Trống và hang Trinh Nữ. Sự tích kể lại rằng, xưa có một người con gái vạn chài xinh đẹp, nhà nghèo bị ép gả làm vợ bé cho một tên địa chủ xấu xa nhất vùng. Cô gái không chịu vì cô đã hôn ước với thanh mai trúc mã của mình. Không khuất phục được cô, tên địa chủ đã bắt nhốt cô trên đảo hoang. Cô gái vì khóc thương cho mối tình của mình mà kiệt sức, hóa thành tượng đá. Vị hôn phu của cô khi biết được tin đã giong thuyền đi suốt đêm ra đảo nhưng không may trời nổi bão khiến con thuyền vỡ nát, sóng biển đánh dạt chàng lên hòn đảo nơi cô gái hóa đá. Khi nhìn thấy tượng cô gái, chàng trai đã dùng hòn đá gõ vào núi để gọi cô, gõ đến khi kiệt sức và hóa đá.
Vị trí cô gái ngồi chính là hang Trinh Nữ, ngày nay cửa hàng này vẫn còn tượng đá của cô. Nơi chàng trai hoá đá nằm đối diện với hang của cô gái, được gọi là hang Trống. Trong lòng của hang Trống có một bức tượng chàng trai. Trong lòng cả hai hang đều có kết cấu giống nhau, bao gồm các thạch nhũ đá bạc rủ xuống tạo nên vẻ đẹp tráng lệ cho hang.
Động Thiên Cung nằm tại đảo Canh Độc cũng là một địa điểm nổi tiếng của Vịnh Hạ Long. Lòng động Thiên Cung có kết cấu rất đặc biệt. Các măng đá, nhũ đá rủ từ trần động xuống đã tạo ra một không gian rộng, nhìn thấy tiết diện hình tứ giác. Vách động khá cao, dốc thẳng đứng, cũng xuất hiện dày đặc các nhũ đá có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau.
Đặc biệt, ở giữa động Thiên Cung còn có bốn cột trụ rất to lớn. Dọc thân các cột này đều được chạm nổi các hình thù rất đặc sắc như hình chim cá, quang cảnh lao động, sinh hoạt của con người,… Các thạch nhũ xuất hiện trong động cũng được tạo hình khác nhau như hình Nam Tào, Bắc Đẩu, các nàng tiên nữ say mê với điệu múa của mình,… Những hình ảnh sống động này xuất hiện đã chứng minh được quá trình tiến hóa của người Việt song song với sự phát triển của thiên nhiên qua hàng vạn năm.
Trên đảo Canh Độc ngoài động Thiên Cung còn có hang Đầu Gỗ. Đây là một hang động có nhiều nhũ đá tráng lệ nhất. Tên gọi “Đầu Gỗ” của hàng gắn liền với những năm tháng hào hùng của thời đại hào khí Đông A, khi quân dân nhà Trần ba lần đánh bại quân Mông Nguyên. Chính hang Đầu Gỗ là một trong những địa điểm diễn ra nhiều trận đánh ác liệt nhất giữa quân ta và quân địch. Cái tên “Đầu Gỗ” cũng ra đời chính vào thời kỳ này. Đặc biệt, vua Khải Định đã từng đến tham quan hang Đầu Gỗ vào năm 1917 và cho khách một tấm bia nhằm ca ngợi vẻ đẹp của hang động này.
Cửa hang Đầu Gỗ nằm ở vách núi nên đường đi khá khó đối với du khách tham quan. Hang Đầu Gỗ có hai ngăn. Ngăn thứ nhất cũng có giống như các hang động khác, chủ yếu bao gồm các nhũ đá có hình thù các loại động vật hoang dã như báo, sư tử, hổ, voi,…Thông qua một khe hẹp, du khách có thể bước vào ngăn thứ hai. Ở ngăn này có xuất hiện một bức tranh đá rất lớn, được chạm hình các hòn đảo, hình sóng biển rất sinh động
Ngoài các hang động, các đảo của Vịnh Hạ Long còn có hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú. Có khoảng trên một nghìn loài thực vật sống trên các đảo ở vịnh Hạ Long. Ngoài ra, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN) còn công bố Vịnh Hạ Long có bảy loại thực vật đặc hữu – đây là những loài chỉ sinh trưởng và phát triển tại các đảo đá vôi ở Hạ Long. Bên cạnh đó, các loài động vật sinh sống ở Hạ Long cũng vô cùng phong phú với khoảng hơn 100 loài thú, loài lưỡng cư, bò sát,…
Bên cạnh những giá trị về văn hóa, lịch sử, Vịnh Hạ Long còn chứng tỏ được giá trị kinh tế của mình khi mỗi năm đón hơn 2 triệu khách du lịch đến tham quan. Từ đó tạo ra việc làm cho người dân bản địa cũng như đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh Quảng Ninh, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
“Cảnh biếc non xanh đẹp tuyệt vời
Mời anh ghé lại Hạ Long chơi
Chiều tàn sợi nắng ươm vàng nhạt
Sớm dậy hanh hoa đỏ khắp trời
Ngắm cảnh từng đôi đồi đá đẹp
Nhìn trông cặp cánh sải buồm khơi
Bình yên tĩnh mịch hồn thư thái
Dạo gót nơi đây chẳng muốn rời.”
Đúng như những lời thơ của nhà thơ Biển Gọi, đã đến Vịnh Hạ Long là sẽ chẳng muốn rời. Vịnh Hạ Long không chỉ là hòn ngọc quý của đất Việt mà còn là một trong di sản đẹp nhất của nhân loại. Chính vì thế, mỗi người chúng ta đều cần phải có ý thức trong việc bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long, từ đó giúp cho hình ảnh Vịnh Hạ Long trở nên đẹp hơn nữa trong mắt bạn bè quốc tế.
“Từ trên cao nhìn xuống, mặt hồ như một chiếc gương bầu dục khổng lồ, sáng long lanh . Cầu Thê Húc màu son, cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn . Mái đền lấp ló bên gốc đa già, rễ lá xum xuê. Xa một chút là Tháp Rùa, tường rêu cổ kính. Tháp xây trên gò đất giữa hồ, cỏ mọc xanh um.” Có lẽ những câu văn trong bài tập đọc tiếng Việt lớp 1 ấy đã tạo một ấn tượng cho mỗi chúng ta về một danh lam thắng cảnh nổi bật nhất mà ai cũng nên một lần đến thăm mỗi khi đến với Hà Nội, Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Hồ Hoàn Kiếm hay còn có một tên gọi khác là hồ Gươm, là một hồ nước ngọt nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, có diện tích khoảng 12 ha. Hồ Hoàn Kiếm còn có rất nhiều tên gọi khác, gắn liền với những truyền thuyết và đặc điểm khác nhau của hồ. Tên gọi “hồ Lục Thủy” được đặt ra bởi nước hồ có màu xanh quanh năm, tên gọi “hồ Thủy Quân” là bởi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, hồ được sử dụng để duyệt thủy binh, tên gọi “hồ Tả Vọng và Hữu Vọng” được đặt từ thời Lê Mạt, tên gọi Hồ Hoàn Kiếm gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm cho Rùa thần.
Ở giữa hồ Gươm có Tháp Rùa, được xây dựng giữa những năm 1884, tháp có hình chữ nhật, được xây dựng theo kiến trúc Pháp, phía trên có ba chữ “Quy sơn tháp” (tháp núi Rùa). Đền Ngọc Sơn nằm ở phía Bắc hồ, xưa có tên là Tượng Nhĩ “tai voi” , đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo. Cầu Thê Húc là cây cầu dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, được xây dựng vào năm 1865. Tên của cầu Thê Húc được đặt với ý nghĩa “Nơi đậu ánh sáng Mặt trời buổi sáng sớm”.
Tháp Bút nằm trên bờ hướng đông bắc hồ, được xây dựng từ năm 1865, gồm 5 tầng, trên đỉnh là một ngòi bút đối lên trời, phần thân có khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” với ý nghĩa “viết lên trời xanh”. Ở đài nghiên, dưới chân là ba con cóc, trên thân nghiên khắc một bài Minh, gồm 64 chữ Hán.
Đối với Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm không chỉ là một danh lam thắng cảnh mà còn là một di tích lịch sử, trở thành điểm đến thu hút của biết bao du khách trong và ngoài nước khi đến với thủ đô. Ngày nay, ở ven hồ diễn ra rất nhiều hoạt động thú vị của người dân sinh sống khu vực quanh hồ, khiến cho hồ càng toát lên vẻ bình yên, thơ mộng. Nhiều hoạt động ca hát và sự kiện lớn được tổ chức vào mỗi cuối tuần cũng thu hút rất nhiều bạn trẻ đến tham quan và thưởng thức.
Hồ Hoàn Kiếm là dấu ấn của Hà Nội, gắn bó với cuộc sống của những con người thủ đô đã bao đời nay. Chắc chắn rằng dù cho bao năm trôi qua đi chăng nữa, Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng Hà Nội vẫn là một điểm đến ấn tượng, để mỗi người dân Việt Nam khi đến với thủ đô đều muốn một lần được đặt chân đến.
Như vậy, trên đây là dàn ý và bài văn mẫu thuyết minh về danh lam thắng cảnh để bạn đọc có thể tham khảo. Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh, mỗi địa điểm lại có một vẻ đẹp và giá trị riêng, để lại ấn tượng khó quên và khiến chúng ta yêu quý hơn mảnh đất xinh đẹp này.
>> Xem thêm bài văn mẫu:
MỤC LỤC
15/07/2022
13/07/2022
14/06/2022
03/06/2022