Blog

Phân tích tác phẩm Người Lái Đò Sông Đà của Nguyễn Tuân chuẩn nhất

26/12/2019

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Tùy bút Người lái đò sông Đà là một trong những tác phẩm quan trọng trong chương trình Ngữ Văn 12, đặc biệt là trong kì thi THPT Quốc Gia. Hãy cùng phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm này của nhà văn Nguyễn Tuân qua bài phân tích Người lái đò sông Đà nhé.

1. Dàn ý chi tiết phân tích “Người lái đò sông Đà”

1.1 Mở bài

Cách 1: Giới thiệu tác giả, tác phẩm

Tác giả: Nguyễn Tuân (1910-1987) sinh ra  trong một gia đình nhà Nho nghèo quê gốc ở Hà Nội, từng tham gia hoạt động chính trị, cách mạng, làm báo, trở thành một trong những cây bút tiêu biểu, xuất sắc của nền văn học mới.

Ông có nhiều đóng góp tiêu biểu, đặc biệt là với những sáng tác về thể truyện ngắn và tùy bút. Phong cách sáng tác của ông có thể được gói gọn bằng một chữ “ngông”, nhưng là ngông dựa trên sự tài hoa uyên bác và nhân cách hơn người. Các sáng tác sau cách mạng của ông thường hướng về vẻ đẹp con người với những nét tài hoa, độc đáo, khác biệt.

Với phong cách nghệ thuật và quan niệm sáng tác riêng, Nguyễn Tuân chính là hiện thân của cái định nghĩa về người nghệ sĩ, phải mang đến những điều độc đáo, mới lạ, tài hoa hơn người. Nguyễn Tuân đã từng đi đến nhiều vùng đất khác nhau, khám phá cuộc sống và vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như con người ở khắp mọi miền tổ quốc, chính thực tiễn xây dựng cuộc sống mới của dân tộc đã khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo của nhà văn.

Qua những sáng tác của ông, người đọc thấy rõ được tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc, yêu thiên nhiên và con người của mảnh đất xinh đẹp này.

Tác phẩm: Tùy bút “Người lái đò sông Đà” được sáng tác khi Nguyễn Tuân có chuyến đi thực địa lên miền Tây Bắc xa xôi. Chứng kiến vẻ đẹp kì vĩ của thiên nhiên Tây Bắc được tô điểm bởi con sông Đà vừa hung bạo, vừa trữ tình, nhà văn đã không thể kìm lòng mà sáng tác nên tác phẩm giàu giá trị và có sức sống đến muôn đời sau này.

Cách 2: Dẫn dắt từ một số nhận định hay về tác giả, tác phẩm

Nhận định 1:

“… Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một con Sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác, mà là một sinh thể có hoạt động, có tính cách, cá tính, có tâm trạng hẳn hoi và khá phức tạp."

(Nguyễn Đăng Mạnh)

Nhận định 2:

“… Nguyễn Tuân- một cây bút vốn luôn khao khát những cảm giác, cảm xúc mới lạ, nồng nàn, say đắm…” 

(Nguyễn Đăng Mạnh)

Từ đó giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm Nguyễn Tuân và tùy bút “Người lái đò sông Đá cũng như những nét riêng và nét độc đáo trong phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân được thể hiện trong tác phẩm này.

1.2 Thân bài

*Bố cục: Tác phẩm “người lái đò sông Đà” thường được phân tích ở một số khía cạnh sau:

-Phân tích hình tượng con sông đà

-Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà

*Tóm tắt tùy bút “người lái đò sông Đà”

Tác phẩm miêu tả vẻ đẹp sông Đà vừa hung bạo, vừa trữ tình, có lúc dữ dằn nhiều thác ghềnh, có lúc lại dịu dàng như một người phụ nữ kiều diễm. Nổi bật trên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ ấy là hình tượng người lái đò sông Đà mang vẻ đẹp khỏe khoắn của người dân lao động vùng sông nước với thân hình cao to, vạm vỡ. Ông từng lái đò nhiều năm và hiểu được “tính khí” của sông Đà, thuộc nằm lòng từng con thác lớn, thác nhỏ, từng vách đá, từng cửa sinh tử, từng thế trận mà sông Đà tạo ra. Sau khi vượt sông Đà, người lái đò lại trở về với cuộc sống đời thường bình dị, neo thuyền nơi khúc sông bình lặng, nấu ống cơm lam, và bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh.

*Phân tích hình tượng con sông Đà hung bạo và trữ tình

*Hình tượng sông Đà hung bạo: 

-Hình ảnh: vách đá dựng đứng, kì vĩ, chẹt lấy lòng sông hẹp

=> Nghệ thuật so sánh được sử dụng vô cùng tài tình, tinh tế, độc đáo, mới mẻ, khiến người đọc có thể dễ dàng hình dung ra độ hẹp của lòng sông và độ dựng đứng của vách đá hai bên bờ sông.

+Hình ảnh gió trên sông Đà “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm” 

+Ghềnh hát Loóng hung dữ “nước xô đá, đá xô sóng, dễ lật ngửa bụng thuyền ra”, hút nước vừa tráng lệ, vừa dữ dội “như cái giếng bê tông, ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi” 

+Quãng hút nước ở chỗ Tà Mường Vát: “nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, rồi thì “Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn.

+Hình ảnh đá sông Đà cũng mang một dáng vẻ dữ tợn,hung hãn "mỗi hòn đá là một linh hồn Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này".

=> Nghệ thuật so sánh, nhân hóa được sử dụng tài tình, dường như mỗi sự vật trên dòng sông Đà đều có linh hồn, có sự sống riêng của nó. Sông Đà hiện lên không khác gì dòng thủy quái luôn sẵn sàng để nuốt chửng con người.

-Âm thanh thác nước sông Đà:

+Nguyễn Tuân dường như nghe được âm thanh của thác nước sông Đà, nghe thấy tiếng “oán trách”, “van xin”. “khiêu khích”, “giọng gằn mà chế nhạo”, “nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”

-Thạch trận trên sông Đà: Có tất cả 3 vòng thạch trận trên sông Đà, mỗi vòng thạch trận lại có sự dàn dựng, tạo nên sự hiểm nguy riêng:

+Vòng thạch trận thứ 1: có tất cả 5 trận, có bốn cửa tử và chỉ có một cửa sinh duy nhất nằm lập lờ phía tả ngạn, để hở một khe hổng duy nhất chỉ để những tay lái nghệ có thể thoát ra. Ở vùng thạch trận thứ nhất này, sóng nước sông Đà đóng vai trò chủ chốt trong việc tiêu diệt thuyền địch ngay từ khi mới bắt đầu vào trận địa. Lời văn của Nguyễn Tuân mô tả rất chi tiết, giống như một trận đánh được chuẩn bị rất kỹ càng.

+Vòng thạch trận thứ 2: Tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền, cửa sinh lại được bố trí lệch sang phía hữu ngạn bờ sông, trận chiến diễn ra ác liệt như một trận giáp lá cà, quyết sinh tử với ông lái đò "Tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Thậm chí khi chiếc thuyền đã vượt qua, chúng vẫn còn không ngừng khiêu khích.

+Vòng thạch trận thứ 3: Vòng này được bố trí hiểm độc hơn, ít cửa hơn và gần như tất cả đều là luồng chết cả, tại đây có các boong-ke chìm và đá nổi mục đích làm tan tác con thuyền.

=> Qua ngòi bút của Nguyễn Tuân, sông Đà hung dữ như một loài thủy quái, hung hăng, bạo ngược, muốn tiêu diệt và nuốt chửng hết mọi thuyền bè trên mặt nước.

*Phân tích vẻ đẹp trữ tình của con sông Đà

+Nguyễn Tuân đã quan sát sông Đà ở nhiều góc độ khác nhau, góc đầu tiên ở trên cao nhìn xuống, nhà văn nhìn sông Đà như một người đàn bà kiều diễm với áng tóc trữ tình đằm thắm với mái tóc dài suôn mượt, phép so sánh gợi ra vẻ đẹp của dòng sông với độ dài vô tận chảy giữa trùng điệp bạt ngàn màu xanh của núi rừng Tây Bắc.

+Nguyễn Tuân nhận thấy sự thay đổi màu sắc dòng sông thay đổi theo mùa, mùa xuân, dòng nước có màu xanh ngọc bích, nhà văn còn nhấn mạnh nó là màu xanh ngọc bích chứ không phải màu  “chứ không xanh màu xanh canh hến của nước sông Gâm, sông Lô”.

Mùa thu, sông Đà thay đổi màu nước, giống như khoác lên mình một chiếc áo mới  “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội độ thu về”. 

Mở rộng: Nếu như Hoàng Phủ Ngọc Tường nhìn dòng sông Hương với sự thay đổi sắc nước “Sáng xanh, trưa vàng, chiều tím” thì Nguyễn Tuân lại phát hiện ra vẻ đẹp của sông Đà thay đổi theo mùa.

+Tác giả còn nhìn thấy nắng trên sông Đà lóe lên như “nắng tháng ba đường thi” => vẻ đẹp của sông Đà hiện lên phảng phất nét đường thi, một vẻ đẹp phẳng lặng, trong sáng, hồn nhiên, thanh bình.

+Cảnh đôi bờ sông Đà dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân hiện lên thật thân thiện, dễ mến, phảng phất hơi ấm của tình người, nó hiện lên như một thế giới cổ tích yên ả, thanh bình với phép so sánh độc đáo “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Hình ảnh sự sông hai bên bờ hiện lên với những nương ngô xanh mướt, có những đàn hươu đang bình yên gặm cỏ “một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa mà tịnh không một bóng người, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp”, “đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”.

+Sự tĩnh lặng hai bên bờ sông được Nguyễn Tuân thể hiện rất thành công qua một hình tượng độc đáo, dường như có sự giao cảm với loài vật, tiếng còi sương xuất hiện càng làm tăng lên sự tĩnh lặng của cảnh vật hai bên bờ “Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?". Rồi thì tiếng đập nước của đàn cá nhẹ đến vậy mà cũng đủ để đuổi mất đàn hươu vụt biến "đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi đuổi mất đàn hươu vụt biến"

+ Tình cảm của Nguyễn Tuân đối với dòng sông đầy sự chan chứa, yêu thương, lúc thì đắm say như một tình nhân trong thơ Tản Đà ở gần thì thương, xa thì nhớ, gặp lại thì như nối lại những chiêm bao đã đứt quãng.

+Mở rộng: Chẳng phải tự dưng mà Tản Đà cũng từng có những câu thơ miêu tả vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình của dòng Đà Giang:

“Dải sông Đà bọt nước lênh bênh

Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình”

=>Biện pháp nghệ thuật nhân hóa và so sánh độc đáo, bút pháp trữ tình, Nguyễn Tuân đã thành công trong việc miêu tả vẻ đẹp của con sông Đà, khi thì mạnh mẽ, dữ dội, khi thì dịu dàng, duyên dáng, hơn nữa, sông Đà còn mang linh hồn, có sức sống trong từng sự vật, từ hòn đá, đến làn sóng nước. Qua đó, ta cũng thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước tha thiết, đồng thời nét tài hoa trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

*Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà

-Về lai lịch, hoàn cảnh của người lái đò sông Đà được Nguyễn Tuân giới thiệu: ông lái đò sinh ra đã gắn bó với sông Đà, đã hơn 70 năm nay ông vẫn gắn bó với nghề lái đò, đưa khách qua sông. 

-Ngoại hình của người lái đò sông Đà qua miêu tả của Nguyễn Tuân: Đã tuổi ngoài 70 nhưng ông lái đò vẫn có một thân hình vạm vỡ “như chất sừng mun”, giọng nói vẫn khỏe, cặp mắt vẫn tinh tường.

=> Người lái đò sông Đà mang vẻ đẹp bình dị của người dân lao động trên miền sông nước, với những công việc hàng ngày tưởng chừng như bình dị, giản đơn. Ông có một đời sống tâm hồn bình dị, không nói nhiều về những chiến công, thành tích mà coi đó là chuyện bình thường, dù đi đâu ông cũng nhớ về nương ruộng, bản mường.

-Vẻ đẹp tài hoa của người lái đò sông Đà

+Người lái đò không chỉ là một người lao động bình dị mà còn là một người nghệ sĩ tài hoa, thể hiện ở các phương diện:

+Ông là một người có hiểu biết sâu rộng về dòng sông, là một tay lái đò lão luyện sau bao nhiêu năm làm cái nghề nguy hiểm và gian khổ này “Trên dòng sông Đà, ông xuôi, ông ngược hơn một trăm lần rồi chỉnh tay giữ lái độ sáu chục lần...”

+Ông thành thạo mức nước nông sâu, và hiểu biết về địa hình của dòng sông, đã trở nên quá quen thuộc giống như đọc một thiên anh hùng ca mà ông thuộc đến từng dấu chấm, dấu phẩy, vì vậy thạch trận trên sông không làm khó được ông. 

+ Ông có trình độ lái đò hết sức điêu luyện được thể hiện qua kỹ thuật lái đò vượt thác ghềnh hiểm trở một cách nhẹ nhàng, điêu luyện. Ông mưu trí, bản lĩnh và tài ba, bởi ông đã “nén đau mái chèo, tỉnh táo chỉ huy bạn chèo”, đã “nắm chắc binh pháp của thần sông núi”, với động tác điêu luyện “cưỡi đúng ngay trên bờm sóng, phóng thẳng thuyền vào giữa thác”.

=> Với ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, tài hoa, nghệ thuật khắc họa nhân vật độc đáo, sáng tạo, liên tưởng thú vị, Nguyễn Tuân đã xây dựng hình tượng người lái đò như một người anh hùng, người nghệ sĩ trong công việc chèo đò, vượt thác. Qua đó, ta cũng thấy được tình yêu của Nguyễn Tuân đối với người lao động bình dị, đang ngày ngày làm giàu đẹp cho Tổ quốc. Ở trong vẻ đẹp ấy, Nguyễn Tuân nhận thấy sự tài hoa mà không phải bất kì người nghệ sĩ nào nếu không có sự nâng niu trân trọng thì khó có thể nhìn thấu được.

1.3 Kết bài

Tổng kết về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Người lái đò sông Đà”

Giá trị nội dung: “Người lái đò sông Đà” đã miêu tả thành công vẻ đẹp của con sông Đà giữa bạt ngàn núi rừng thiên nhiên Tây Bắc, vừa hùng vĩ, lại vừa trữ tình nên thơ. Đồng thời, nhà văn cũng khắc họa thành công người lái đò sông Đà, tiêu biểu cho sự bình dị, trí dũng, tài hoa của người lao động. Ta thấy ở đây, tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, sự trân trọng vẻ đẹp, tài hoa của tác giả.

Giá trị nghệ thuật: Tác phẩm đậm chất tài hoa, uyên bác, với lối so sánh, liên tưởng độc đáo, ngôn ngữ tinh tế hiện đại, thể hiện phong cách và tài năng nghệ thuật của bậc thầy tùy bút của nền văn học Việt Nam.

2. Bài văn mẫu phân tích Người Lái Đò Sông Đà của Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, một cây bút có vai trò to lớn trong nền văn học Việt Nam hiện đại, một nghệ sĩ có khái niệm thẩm mỹ khác biệt và suốt đời đi tìm cái đẹp. Một trong những tác phẩm tùy bút xuất sắc của ông chính là Người lái đò sông Đà được in trong tập Sông Đà (1960) trong chuyến đi thực tế tới miền Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc. Tác phẩm cho ta thấy một Nguyễn Tuân với diện mạo mới mẻ, khát khao hòa nhập vào đất trời thiên nhiên, thể hiện tình yêu đất nước và cuộc đời. Nguyễn Tuân muốn qua hình ảnh con sông Đà dữ dằn, hung bạo mà trữ tình, thơ mộng, người lái đò bình dị, giản đơn mà trí dũng tài hoa để ca ngợi vẻ đẹp của thiên và con người Tây Bắc của Tổ quốc. Bài thơ cũng chất chứa trọn vẹn phong cách thơ tài hoa, uyên bác rất độc đáo của Nguyễn Tuân.

Hai hình tượng chính đi xuyên suốt tác phẩm là hình tượng sông Đà và hình tượng người lái đò. Một là thiên nhiên và một là con người tưởng chừng như chẳng hợp ấy vậy mà là tạo nên vẻ đẹp đến bất ngờ. Trước nhất là hình tượng sông Đà, không phải là vật vô tri vô giác mà là rất có hồn, rất có cá tính, dòng sông này được Nguyễn Tuân miêu tả như một nhân vật có hai tính cách trái ngược vừa hung bạo dữ dằn vừa trữ tình thơ mộng

Mà biểu tượng về sức mạnh và vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc lại là cái sự hung bạo, dữ dằn kia. Đá vô cùng hiểm trở, đá dựng vách thành, chẹt lòng sông như cái yết hầu làm cho mặt sông chỗ ấy vừa hẹp, vừa tối lại vừa rất lạnh chỉ vì đúng ngọ mới có mặt trời. Cả một trời đá, mặt hòn nào trông cũng ngỗ ngược, nhăn nhúm, méo mó đá mai phục dưới lòng sông hàng ngàn năm được nhân hóa, nổi hình nổi tướng bệ vệ, oai phong lẫm liệt, nhổm dậy, vồ lấy thuyền,… khung cảnh choáng ngợp, kỳ vĩ, chật hẹp đã làm cho ta cảm thấy sợ hãi, lạnh lẽo và nhỏ bé giữa giữa thiên nhiên dù là mùa hè oi bức, nóng nảy.

Sóng, nước cuồng nộ. Quãng mặt ghềnh Hát Loóng, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió… kéo dài hàng cây số cuồn cuộn… như thể đòi nợ xuyết người lái đó nào đi qua quãng ấy. Điệp cấu trúc nối tiếp nhau kết hợp động từ mạnh “xô” được lặp lại nhiều lần như nhấn mạnh sức mạnh của thiên nhiên rất khủng khiếp và đầy lạnh lẽo. Những hút nước ghê rợn giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu… Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc sẵn sàng nhấn chìm và đập tan chiếc thuyền nào lọt vào. Nghệ thuật nhân hóa và so sánh khiến hình ảnh trở nên sinh động và tính hấp dẫn hơn diễn tả những chiếc thuyền bị hút xuống, hút thành trồng ngược cây chuối, bị dày vò hành xác mà vụt biến đi, đến mươi phút sau mới thấy cái xác tan tành ở khuỷnh sông dưới.

Thác như đang giận dữ mà gầm rống dữ tợn. Tác giả miêu tả con sông với từ ngữ có tính gợi cảm, âm thanh tiếng thác từ xa nghe  như van xin, oán trách, rồi như khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Âm thanh đến gần được ví như những con trâu rống lên lồng lộn… ghê rợn và khủng khiếp. Sông Đà đặc biệt hung bạo khi những yếu tố trên kết hợp với nhau tạo ra những thạch trận, phòng tuyến với nhiều cửa tử, nhiều chiến thuật đánh khác nhau, nhiều đón đánh thâm hiểm, Nó như một loài thủy quái khổng lồ, nham hiểm mang diện mạo và tâm địa như một thứ kẻ thù số một củ con người.

Sông Đà chỉ thực sự trữ tình thơ mộng khi chảy qua chợ Bờ và để lại những hòn thác xa xôi trên thượng nguồn. Tuôn dài như một áng tóc … ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc…, tưởng chừng dòng chảy của sông Đà như mái tóc của người thiếu nữ, là thiếu nữ Tây Bắc dưới bầu trời Tây Bắc. Màu nước sông Đà biến đổi theo mùa, mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng. Mùa xuân thì nước có màu xanh ngọc bích, mỗi độ thu về nó lại chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa… Sông Đà có vẻ đẹp rất gợi cảm, thân thiết như người tình, khi gặp lại dòng sông như gặp lại cố nhân mà cảm thấy mừng vui, xa thì lại nhớ nhung và dòng sông gợi vẻ đẹp của một ánh thơ Đường bởi màu nắng tháng ba… yên hoa tam quyệt. Cảnh vật hai bờ sông vừa hoang sơ nhuốm màu cổ tích trong những câu chuyện hoàng tử công chúa của những đứa trẻ thơ lại vừa trù phú, tràn trề nhựa sống, tự do, tự tại của một chế độ mới. Qua hình tượng sông Đà, Nguyễn Tuân đã thể hiện tình yêu tha thiết đối với thiên nhiên đất nước. Với ông thiên nhiên cũng là tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hóa. Cảm nhận và miêu tả sông Đà, Nguyễn Tuân đã chứng tỏ cách nhìn khác biệt của bản thân: hài hoa, uyên bác và lịch lãm. Sông Đà là một phông nền nổi bật đầy, đẹp đẽ nhưng không hề làm lu mờ đi mà còn làm bật lên vẻ đẹp người lao động trong chế độ mới.

Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra đoạn văn tràn đầy không khí trận mạc, tưởng tượng ra cuộc chiến đấu ác liệt của ông lái đò với bầy thủy quái sông Đà, để từ đó làm nổi bật hình ảnh người lái đò, một người lao động mới mang vẻ đẹp khác thưởng. Ông như một vị tướng chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, tài trí: biết bọn đá mai phục và bày thạch trận… Ông nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá, thuộc quy luật phục kích của chúng nên linh hoạt thay đổi chiến thuật để lần lượt vượt qua từng phòng tuyến kẻ thù. Người lái đò là người từng trải, giàu kinh nghiệm hiểu biết sâu sắc về luồn lách sông Đà và cũng dũng cảm đối đầu trong cuộc chiến không cân sức với sông Đà. Sông Đà là thiên nhiên lớn lao, dữ dội và hiểm độc với sức mạnh được nâng lên hàng thần thánh có sóng nước hò reo quyết vật ngửa mình thuyền, có đá ngàn năm mai phục, bày thạch trận trên sông, thác gầm rống, reo hò làm thanh viện cho đó, sóng nước như thể quân liều mạng đánh những đòn hiểm độc… Ông đò chỉ là một con người bé nhỏ, không có phép màu, vũ khí chỉ là chiếc cán chèo thô sơ trên một cái thuyền đơn độc hết chỗ lùi, nhưng vẫn sẵn sàng đối mặt với thác dữ, chinh phục mọi cửa tử, cửa sinh, vượt qua trận thủy chiến đầy ác liệt với đá  nổi đá chìm với những trùng vi thạch trận và những phòng tuyến đầy nguy hiểm để chiến thắng thiên nhiên. Hình tượng người lái đò lúc này là một người lao động trí dũng.

Người nghệ sĩ tài hoa là hình tượng của người lái đò được hiện lên tiếp theo. Để vượt thác, tâm tình phải thực sự bình tĩnh, chỉ một chút thiếu chính hay lơ là thì phải trả giá bằng chính tính mạng của mình. Ấy vậy mà, ông lái đò đã đối đầu với ghềnh thác cuồng bạo bằng sự tự tin, ung dung của người nghệ sĩ; đã bình tĩnh vượt thác một cách tài tình, khôn ngoan. Với “tay lái hoa” ông đã điều khiển con thuyền vượt qua ba trùng vi thạch trận sông Đà. Sông Đà ở trùng vi thạch trận thứ nhất có năm cửa trận, trong đó có tận bốn cửa tử và nhưng chỉ có một cửa sinh nằm lập lờ chẳng rõ phía tả ngạn. Bọn đá đứa thì hất hàm, đứa thì thách thức, khiêu chiến, nước thác hò reo làm thanh viện cho đá, mặt nước hò la ùa vào bẻ gãy cán chè, sóng nước đá trái, thúc gối vào bụng vào hông thuyền, đánh những đòn hiểm độc vào ông lái đò. Ông lái đò đã bị thương những vẫn cố nén chịu nỗi đau thể xác, hai chân vẫn kẹp chặt cuống lái, mặt méo bệch nhưng tiếng chỉ huy vẫn ngắn gọn, tỉnh táo đưa thuyền vượt qua khỏi nguy hiểm. Ở trùng vi thạch trận thứ hai, cửa tử lại tăng thêm nhưng cửa sinh vẫn chỉ có một mà nằm ở phía hữu ngạn. Dòng thác thì hồng hộc tế lên như hùm beo hòng nuốt xuống con thuyền. Ông lão chủ động đổi chiến thuật: nắm lấy bờm sóng… cưỡi lên thác sông Đà như cưỡi hổ. Bọn đá xô ra, định lôi con thuyền vào tập đoàn cửa tử, nhưng ông nhớ mặt bọn này, chỗ thì ông bơi, chỗ đè rồi sấn tới, chỗ chặt đôi ra để mở đường tiến. Bọn đá chỉ còn biết thất vọng, tiu nghiu cái mặt xanh lè nhìn ông lão đưa con thuyền lọt vào cửa sinh an toàn. Ở trùng vi thạch trận thứ ba, sông Đà bên phải, bên trái đều là luồng chết, luồng sống duy nhất nằm giữa lòng sông do bọn đá hậu vệ trấn giữ. Ông lái kiên cường không mảy may lơ là, quyết đoán giữ vũng tinh thần, như hòa với con thuyền làm một, phóng thẳng đến cửa sinh an toàn, vượt qua mọi vòng vây . Thế là hết. Thánh thần thiên nhiên cuối cùng cũng không ngăn được sự tiến lên của con người, sự hung bạo của dòng sông cũng không ngăn được chiếc thuyền độc mộc và ông lão. Sự ngoan cường, sự quyết tâm cùng sự dũng cảm chính là yếu tố quyết định cho sự chiến thắng và đặc biệt là kinh nghiệm vùng sông nước của ông lái đò.

Sau khi đọ trí, thi tài với con sông, vượt qua ba trùng vi thạch trận đầy khó khăn, nguy hiểm, ông lại ung dung đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và say sưa nói về các loài cá mà không hề bàn thêm một lời nào về chuyện vượt thác. Dường như chuyện vượt qua thác nước chẳng động lại trong ông một cái gì gọi là sợ hãi hay lo lắng, ổng vẫn cứ mặc đời kệ người mà lạc quan, thư thái thật giản dị, lãng mạn. Nguyễn Tuân tìm thấy một hình ảnh của một con người mới, con người đáng được ca ngợi, trân trọng mà không phải là anh hùng đánh giặc trận mà chỉ là một con người lao động bình thường – con người Tây Bắc.

Chỉ là một người lái đò và một thác nước, Nguyễn Tuân lại viết nên như thể là một thước phim hành động điện ảnh cận cảnh. Hồi hộp có, kịch tính có, kích thích có, vỡ ào có, âm thanh đặc sắc, hành động đẹp mắt. Để viết được như vậy phải có trí tưởng tượng thật phong phú, một cách nhìn khác biệt, có cảm nhận đa chiều… cũng đủ thấy Nguyễn Tuân có vốn tri thức rộng lớn thế nào, suy nghĩ độc đáo thế nào và một nghệ sĩ tài hoa như thế nào. Qua đây, nhà văn còn muốn phát biểu quan niệm, người anh hùng không chỉ có trong chiến đấu mà con có trong cuộc sống lao động thường ngày, ví dụ như người lái đó kia.

Bằng những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị cùng với từ ngữ phong phú, sống động, giàu hình ảnh, có sức gợi cảm cao và câu văn đa dạng, nhiều tầng, giàu nhịp điệu với hàng loạt kiến thức đa lĩnh vực. Biện pháp tu từ: nhân hóa, điệp từ, so sánh … được tác giả sử dụng một các khéo léo và tài tình. Nguyễn Tuân cũng với tất cả đã tạo nên Người lái đò sông Đà ca ngợi vẻ đẹp thiên cùng con người song qua đó cũng thể hiện tình yêu quê hương đất nước Việt Nam trong chính tác giả.

Lời kết

Đây là bài hướng dẫn phân tích tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân trong chương trình Ngữ Văn 12, hy vọng bài phân tích Người lái đò sông Đà này có thể giúp các bạn tham khảo và chuẩn bị tốt cho các bài kiểm tra cũng như bài thi của mình.

>>> Tham khảo thêm:

 Điểm: 2.9  (17 bình chọn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

15/07/2022

Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

13/07/2022

ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

14/06/2022

Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.

03/06/2022