Khởi ngữ là thành phần đứng trước chủ ngữ trong câu với mục đích nêu khái quát về đề tài, nội dung được nhắc tới. Tìm hiểu khởi ngữ là gì, đặc điểm và công dụng của khởi ngữ trong câu tiếng Việt qua bài viết dưới đây của Vieclam123.vn nhé.
Khởi ngữ là thành phần đứng trước chủ ngữ trong câu để nêu lên đề tài, nội dung chuẩn bị được nhắc tới trong câu.
Ví dụ: Về những bài hát nước ngoài, Nam thuộc rất nhiều.
=> “Những bài hát nước ngoài” là thành phần khởi ngữ trong câu.
Đứng trước khởi ngữ có thể là những quan hệ từ như “đối với, với, về,...”
Ví dụ: Đối với chúng tôi, kết quả hoàn toàn không bất ngờ.
=> “Đối với chúng tôi” là khởi ngữ trong câu, “đối với” là quan hệ hệ từ.
Nếu như cần làm những dạng bài tập liên quan đến việc xác định khởi ngữ trong câu thì bạn có thể dựa trên một số dấu hiệu nhận biết sau đây:
Về vị trí, khởi ngữ thường đứng đầu câu hoặc đứng trước chủ ngữ trong câu.
Về quan hệ từ thường kết hợp, khởi ngữ thường kết hợp với những từ như “còn, đối với, và”
Khởi ngữ có thể đứng tách biệt với các thành phần trong câu hoặc liên kết với những thành phần đó. Khi khởi ngữ có liên kết chặt chẽ với thành phần trong câu, nó có thể lặp lại y nguyên hoặc sử dụng từ thay thế.
Ví dụ:
Còn tôi, anh ấy không thèm bận tâm.
Về phần mình, tôi không oán trách cô ấy.
Với những dạng bài tập chuyển câu thành câu có khởi ngữ, chúng ta chỉ cần thêm các quan hệ từ như “đối, với, còn,..”, trước cụm chủ vị có thể thêm từ “thì” hoặc thêm dấu phẩy để ngăn cách khởi ngữ và các thành phần khác trong câu.
Ví dụ:
Chuyển câu sau thành câu có thành phần khởi ngữ:
Chúng tôi không tham gia trận bóng đá chiều nay.
=> Về trận bóng đá chiều nay, chúng tôi không tham gia (“về trận bóng đá chiều nay” là khởi ngữ)
Những câu có chứa thành phần khởi ngữ đều có một ý nghĩa đặc biệt, ẩn chứa dụng ý của người nói, người viết. Công dụng của khởi ngữ trong câu như sau:
Thứ nhất, khởi ngữ giúp làm nổi bật được ý chính trong câu, giúp người nghe, người đọc tập trung vào nội dung chính trong câu.
Thứ hai, khởi ngữ nêu bật được chủ đề của sự vật, sự việc chuẩn bị được nhắc tới, là một cách hay để mở đầu một câu chuyện, thu hút người nghe.
Ví dụ: Về chuyện Bạch Tuyết và Bảy chú lùn, cái kết rất có hậu.
Về việc chăm sóc cây cảnh, bạn cần đặc biệt lưu ý đến loại đất, cách tưới nước, tỉa cảnh sao cho phù hợp.
Mỗi thành phần câu và cách sắp xếp câu trong tiếng Việt đều có ý nghĩa riêng của nó, bởi vậy cần lưu ý đến những cách sắp xếp này sao cho câu tiếng Việt vừa trôi chảy, vừa có sự liên kết chặt chẽ và thể hiện được đúng những gì người nói, người viết muốn truyền đạt.
Khởi ngữ và thành phần biệt lập thường đứng tách biệt với thành phần chính trong câu, đôi khi cùng được ngăn cách với mệnh đề chính bởi dấu phẩy. Bởi vậy, nhiều bạn thường nhầm lẫn các thành phần biệt lập trong câu với khởi ngữ. Tuy nhiên, bạn cần phải phân biệt chúng như sau:
Thành phần biệt lập: là thành phần không liên quan đến thánh phần chính trong câu, không ảnh hưởng đến ý nghĩa trong câu, thường để diễn tả thái độ, đánh giá của người nói. Thành phần biệt lập bào gồm tình thái từ, cảm thán, gọi đáp, phụ chú
Ví dụ: Trời ơi, ôi chao, vâng ạ, chắc chắn, chắc hẳn, theo ý tôi, theo quan điểm của tôi,....
Cụ thể:
Theo tôi, bài này chúng ta nên giải theo phương pháp này
=> “Theo tôi” là thành phần biệt lập trong câu, dù bỏ thành phần này, câu vẫn có nghĩa.
Trời ơi! Anh ta điên rồi
=> “Trời ơi” là thành phần biệt lập trong câu để diễn tả cảm xúc.
Khởi ngữ đứng tách biệt với thành phần chính trong câu, đề cập đến nội dung, chủ đề được nhắc tới trong câu. Bỏ đi thành phần khởi ngữ, câu sẽ không đầy đủ ý nghĩa.
Ví dụ: Về chương trình TV này, tôi xem rồi.
=> Khởi ngữ “Về chương trình TV này”. Nếu bỏ thành phần khởi ngữ, câu chỉ còn “Tôi xem rồi” sẽ không diễn tả đầy đủ ý nghĩa.
Khởi ngữ cũng được phân biệt với thành phần trạng ngữ trong câu. Ví dụ trạng ngữ chỉ thời gian, nơi chốn, ...cũng thường đứng trước thành phần chính trong câu và ngăn cách với thành phần chính bởi dấu phẩy.
Ví dụ: Hôm nay, thời tiết thật đẹp.
=> “Hôm nay” là trạng ngữ chỉ thời gian.
Nếu câu được viết là: “Về thời tiết hôm nay, nó thật đẹp” thì “về thời tiết hôm nay” là khởi ngữ trong câu.
Bài tập 1: Chuyển những câu sau thành câu có chứa thành phần khởi ngữ
1. Chúng tôi không đi chơi được.
2. Không bao giờ ta đọc một bài thơ hay mà rời ngay xuống được
3. Con không bao giờ đi đôi giày này nữa.
4. Con không biết làm bài tập này
5. Tôi không biết nấu món Trung Quốc.
Đáp án:
1. Đi chơi, chúng tôi không đi được
2. Với một bài thơ hay, không bao giờ chúng ta đọc mà rời ngay xuống được
3. Đôi giày này, con không bao giờ đi nữa
4. Bài tập này, con không biết làm
5. Món Trung Quốc, tôi không biết nấu
Bài tập 2: Xác định thành phần khởi ngữ trong câu
1. Về sự chăm chỉ, nó đứng nhất phòng
2. Đối với bạn bè xung quanh, anh ấy cư xử rất tốt
3. Vâng! Bạn nói đúng! Đối với mình, nó không phải là vấn đề.
4. Anh ta ấy mà, siêng năng, chăm chỉ lại biết cách cư xử.
5. Về trang phục, bạn nên mặc lịch sự một chút.
Đáp án:
1. Về sự chăm chỉ
2. Đối với bạn bè xung quanh
3. Đối với mình
4. Anh ta ấy mà
5. Về trang phục
Rất dễ để nhận biết thành phần khởi ngữ trong câu và viết lại câu có chứa thành phần này đúng không nào! Hy vọng bài viết từ Vieclam123.vn đã mang đến cho bạn lời giải thích dễ hiểu, giúp ích cho các bạn trong việc học tốt môn tiếng Việt hơn.
>> Tham khảo thêm:
15/07/2022
13/07/2022
14/06/2022
03/06/2022