Blog

Làm quen với Flipped Classroom – lớp học đảo ngược đầy thú vị

23/07/2019

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Giáo dục sẽ không ngừng cải cách chỉ cần nhân loại còn tồn tại, giáo dục là cái nôi của xã hội tiên tiến. Vậy nên muốn xã hội không ngừng phát triển thì phải cải tiến giáo dục, đó là động lực cho sự ra đời của một phương pháp giáo dục mới mang tính cách mạng và còn rất mới lạ. Được đánh giá là một trong top % xu hướng giáo dục tại Mỹ, Flipped Classroom đang là cuộc cách trong cải cách phương thức dạy học được nhiều quốc gia để tâm trong đó có Việt Nam. Bạn đã từng nghe đến lớp học đảo ngược chưa? Nếu chưa thì hãy cùng bài viết sau đây chia sẻ thông tin về Flipped Classroom – lớp học đảo ngược.

1. Những điều cần biết về Flipped Classroom

1.1. Trả lời câu hỏi Flipped Classroom là gì?

Flipped Classroom dịch ra Tiếng Việt là lớp học đảo ngược. Tên gọi thôi cũng đã thấy được sự điên rồ trong cuộc cách mạng giáo dục này rồi, lớp học đảo ngược thật sự khiến nhiều người không khỏi tò mò và đặt dấu hỏi. Bạn có thể hiểu theo cách thức đơn giản nhất đó là học sinh thay vì đến lớp để nghe cô giảng bài rồi về làm bài tập thì tại lớp học đảo ngược học sinh sẽ đến lớp để trao đổi với bạn bè về bài vở, rồi về nhà học lý thuyết qua video thầy cô đã gửi qua internet. Bạn đã quen với những lớp học truyền thống rằng giáo viên lên lớp giảng bài và học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động, sau đó về nhà làm bài tập đã được giao trên lớp. Trong trường hợp trẻ không nhớ bài và cần người giảng lại thì phụ huynh sẽ chính là những giáo viên bất đắc dĩ và chưa chắc đã hoàn thành tốt được vai trò này do cha mẹ đã trải qua những năm học lí thuyết này quá lâu rồi. Mô hình giáo dục truyền thống đang dừng lại ở ba bước cơ bản về mức độ nhận thức là ghi nhớ, thông hiểu và vận dụng. Còn nhận thức của trẻ tại lớp học đảo ngược sẽ được phân chia thành 6 cấp độ từ thấp đến cao là: ghi nhớ, thông hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá. Flipped Classroom cho phép giáo viên quan sát học sinh, tiếp xúc hướng dẫn và đánh giá từng em chính xác hơn.

1.2. Nơi Flipped Classroom được sinh ra và quá trình trưởng thành của mô hình này

Tiền thân của Flipped Classroom là chương trình “From sage on the stage to guide on the side” được Alison King xuất bản năm 1993. Hay còn được biết đến với tên gọi “Từ nhà thông thái trên các tượng đài thành người đồng hành bên cạnh bạn”. Mục đích của chương trình này là giúp học sinh tìm hiểu ý nghĩa của bài học trước khi giáo viên truyền đạt kiến thức. Tại thời điểm đó King chưa hề có khái niệm về lớp học đảo ngược nhưng dựa trên nền tảng chương trình của ông các nhà giáo dục học đã cải tiến và cách tân giúp đưa lớp học vào các không gian hoạt động tích cực. Phiên bản tiếp theo của lớp học đảo ngược được ra đời vào năm 2000 nhờ công sức của các tác giả Lage, Platt, Treglia với tên gọi “Đảo ngược lớp học – cánh cửa dẫn đến sự sáng tạo môi trường học tập trọn vẹn”. Tuy nhiên chương trình này mới chỉ chuyên tâm vào nghiên cứu các lớp học đảo ngược tại trường cao đẳng.

Một trong những người có đóng góp to lớn nhất đối với sự hình thành của Flipped Classroom đó là Salman Khan. Năm 2004, lớp học đảo ngược đã có một bước đi lớn khi Khan tiến hành việc ghi lại các video về bài giảng phụ đạo cho người em họ sống tại bang khác. Ngay khi những video này được đưa lên Youtube và nhận được sự chào đón của rất nhiều người, Khan đã quyết định thành lập học viện Khan ngay trên kênh Youtube của mình. Học viện có khoảng 2200 video về tất cả các môn học  và đi từ những kiến thức cơ bản nhất như các phép toán tiểu học cho đến các chương trình đại học. Ngôi trường đặc biệt này cũng có một khẩu hiệu rất riêng và vô cùng thú vị. “Bạn chỉ cần biết một điều: bạn có thể học mọi thứ, miễn phí, cho mọi người, mãi mãi!”

Mãi đến năm 2007, Flipped Classroom mới chính thức được hoàn thiện bởi hai giáo viên hóa học là Jonathan Bergmann và Aaron Sams. Vì một số lý do nào đó mà rất nhiều học viên của họ không thể đến trường và theo kịp chương trình học nên họ đã quyết định ghi lại những bài giảng của mình để gửi cho học sinh, đây là bước đi nền tảng trước khi họ hoàn thiện Flipped Classroom. Việc thay đổi phương thức dạy học của giáo viên bằng lớp học đảo ngược đã giúp hai giáo viên hóa này nhận được phần thưởng từ tổng thống vì đã có công xây dựng là hoàn thiện Flipped Classroom.  

2. Phân tích thế mạnh của Flipped Classroom

2.1. Điểm mạnh giúp Flipped Classroom nhanh chóng được đón nhận

Bốn điểm mạnh trở thành trụ cột giúp Flipped Classroom thuyết phục thành công các nhà giáo dục.

Đầu tiên là lợi thế về không gian học linh hoạt cho phép kiến thức được truyền đến tay học sinh mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh dó học sinh được phép tự chọn cho mình cách thức, thời gian, không gian, địa điểm học tập thuận tiện nhất với bản thân. Ngược lại giáo viên không còn phải ngày ngày đứng lớp đọc hết giáo trình khô khan mà được trực tiếp truyền tải kiến thức từ xa theo cách riêng của mình mà vẫn theo sát được học sinh để nắm bắt điểm mạnh điểm yếu của từng trẻ.

Thứ hai mô hình này là cuộc cách mạng mới trong văn hóa học tập của học sinh. Nếu ở các lớp học truyền thống giáo viên giống như máy chủ kiểm soát mọi thông tin, mọi vấn đề mà học sinh thảo luận đều sẽ xoay quanh ý kiến chủ đạo của giáo viên. Thì ở Flipped Classroom học sinh chính là trung tâm của quá trình dạy học, lớp học sẽ trở thành nơi học sinh tự thảo luận thông tin trong chương trình học, giáo viên chỉ là người giúp đỡ giải quyết các thắc mắc chứ không đứng bục giảng dạy. các em sẽ có cơ hội được tự do phát triển tư duy và mạnh dạn thể hiện suy nghĩ cá nhân, tranh luận với nhau để bảo vệ quan điểm của mình.

Thứ ba mỗi chương trình học hàng ngày của Flipped Classroom đều sẽ có định hướng nội dung, nội dung này sẽ được các em vận dụng tối ưu thời gian học ở lớp để khám phá và thảo luận. Giáo viên sẽ chỉ làm nhiệm vụ đưa ra nội dung cho buổi học còn các em học sinh sẽ là người tự đi tìm kiến thức và chia sẻ thông tin với bạn học. Giáo viên chỉ việc theo sát, lắng nghe các kiến thức được các em chia sẻ với nhau và chỉnh sửa cho đúng đắn trước khi các em dung nạp kiến thức này vào đầu. Đối với những câu hỏi trẻ không thể tìm được câu trả lời giáo viên sẽ đưa ra gợi ý trước khi đọc đáp án cho trẻ.

Trụ cột cuối cùng của chương trình này có yêu cầu khắt khe nhất để đảm bảo chất lượng giáo dục đó là tất cả những giáo viên tham gia giảng dạy trong chương trình này đều phải là những giáo viên chuyên ngành sư phạm tốt. Việc đánh giá và lựa chọn giáo viên cho chương trình học này rất khắt khe buộc ứng viên phải là một giáo viên có trình độ sư phạm chuyên nghiệp. Khi đứng lớp các giáo viên buộc phải linh hoạt nhạy bén và có khả năng quan sát tốt. Từ việc lắng nghe các cuộc thảo luận cho đến việc cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho học sinh, đánh giá đúng các em qua các tranh luận trong buổi học.

Ngoài ra còn phải trở thành cầu nối giúp các em học sinh trở nên gần gũi với nhau hơn, mạnh dạn đưa ra ý kiến, không để tình trạng các em chỉ đến lớp nghe mà không chịu tư duy để đóng góp ý kiến. Bởi nếu các em không đưa ra được ý kiến đồng nghĩa với việc không có sự tìm hiểu thông tin và dung nạp kiến thức. Bản thân các giáo viên còn phải không ngừng trao đổi kinh nghiệm với nhau để rút ra những kinh nghiệm tốt nhất cho tiết học của mình.

Bốn tiêu chuẩn cốt lõi của Flipped Classroom không chỉ thuyết phục các nhà giáo dục mà còn thu hút rất nhiều bậc phụ huynh bởi tính sáng tạo trong phương thức dạy học khiến các em hào hứng hơn trong việc đến lớp. Tiêu chuẩn chọn giáo viên cũng là điểm cộng cho bất kỳ trường học nào áp dụng phương pháp dạy học này. Đây hứa hẹn sẽ là một phương pháp được nhân rộng tại Việt Nam.

2.2. Những hạn chế mà Flipped Classroom còn tồn tại

Tuy rằng về mặt lý thuyết Flipped Classroom rất thuyết phục người nghe nhưng tuy nhiên khi được đưa vào thực tế thì mô hình này cũng cho thất khá nhiều bất cập cần xử lý. Một nhà giáo dục nước ngoài bà Lisa Nielsen sau khi nghe về lớp học đảo ngược đã vô cùng thích thú và ủng hộ việc lập tức đưa mô hình nào vào chương trình giảng dạy cho đến khi thực tế hoạt động của lớp học khiến bà phải có cái nhìn khác đi và đưa ra một số quan điểm không đồng tình với chương trình này.

Trước tiên phải kể đến khả năng kinh tế khi theo học mô hình này. Không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để cung cấp hạ tầng và phương tiện truyền thông cho con em mình tham gia vào lớp học này. Bản thân học sinh không phải em nào cũng biết cách lấy được tài liệu từ giáo viên và học chúng đúng cách. Chưa kể đến một số các bậc phụ huynh cho rằng ngoài việc đến trường để học ra thì thời gian ở nhà là để các em vui chơi và tham dự các hoạt động ngoại khóa chứ không phải là về nhà để tiếp tục nhận bài vở từ giáo viên và học tiếp.

Phụ huynh hiểu tiêu cực đã đành, phía giáo viên và nhà trường còn hiểu sai vấn đề và một số trường khi áp dụng mô hình đã vô tình biến chúng thành các buổi luyện đề. Học sinh ở cùng độ tuổi chưa chắc đã có tốc độ nhận thức giống nhau nên sự thiếu sát sao của thầy cô có thể khiến tốc độ chương trình của lớp học quá nhanh và nhiều em bị bỏ lại phía sau không theo kịp chương trình.

Mô hình này đòi hỏi trình độ giáo viên cao nên nếu không đáp ứng được nhu cầu này thì mô hình sẽ dễ dàng quay trở lại với phương pháp học cũ là lớp học truyền thống. Giáo viên dễ bị cuốn vào các bài giảng ngày khi học sinh có thắc mắc vậy là các em lại nghe giảng và về nhà tiếp tục bài tập được giao vì đã học trên lớp hoặc học lại một cách nhàm chán các kiến thức qua video được cung cấp trùng lặp nội dung với những gì thầy cô đã nói ở trường.

3. Flipped Classroom liệu có phát triển được ở Việt Nam?

3.1. Flipped Classroom tại môi trường giáo dục Việt Nam

Sinh ra và lớn lên tại Mỹ nên Flipped Classroom rất phát triển tại quốc gia này. Một cuộc khảo sát đã được tiến hành vào cuối tháng 5 năm 2014 cho thấy số lượng giáo viên áp dụng mô hình lớp học đảo ngược tại Mỹ đã tăng lên đến 78% nhiều hơn năm 2012 đến 30%. Các giáo viên đã từng sử dụng mô hình này cho biết học sinh của họ không chỉ có sự thay đổi lớn trong thái độ học tập mà còn có sự vượt bậc về thành tích. Đó là từ khía cạnh giáo viên còn học sinh nói sao về chương trình học này? Một cuộc khảo sát với tên gọi Speak Up năm 2013 đã thu hút 180.000 học sinh trung học tham dự và ¾ trong số đó hoàn toàn ủng hộ chương trình học này vì điểm số của các em đã có cải thiện rất nhiều sau chương trình học. Bởi vậy mà Flipped Classroom rất phổ biến tại các bậc trung học và đại học.

Đó là các số liệu tại Mỹ còn lớp học đảo ngược tại Việt nam thì sao? Tuy còn là một mô hình mới mẻ nhưng Flipped Classroom đang được chào đón tại khá nhiều trường học tại Việt Nam, điển hình như Đại học FPT, Anh ngữ Việt Mỹ VATC, Trung tâm Anh ngữ quốc tế Apollo,... Một tín hiệu đáng mừng khi áp dụng chương trình học này tại FPT đó là 4 lớp học với 100 sinh viên khi được áp dụng mô hình học này đã thu về kết quả rất tích cực. Số học sinh thi đỗ môn thực hành của trường đã tăng từ 30% lên đến 53% ngay trong lần áp dụng mô hình thử nghiệm tại trường.

3.2. Những khó khăn trong việc đưa lớp học đảo ngược vào ứng dụng tại Việt Nam

Những con số về trường học ứng dụng hay kết quả thành công với mô hình Flipped Classroom chưa lớn. Vì điều kiện cơ sở hạ tầng tại Việt nam chưa cho phép giáo viên có đủ phương tiện để phục vụ cho công tác giảng dạy ở trường chứ chưa nói đến việc không phải giáo viên nào cũng biết làm video giảng dạy cho các em tại nhà. Bản thân các gia đình cũng chưa có đủ kinh tế cho các em theo học tại các lớp học áp dụng mô hình này.

Bản thân Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam vẫn chưa chính thức thừa nhận mô hình học tập này khiến cho sức lan tỏa của mô hình này không lớn. Các nhà giáo dục thì chưa lên tiếng mạnh mẽ để tạo sự phát triển cho mô hình và một số giáo viên tự mình áp dụng chương trình mà chưa được chính thức hướng dẫn về Flipped Classroom nên không thu được gì về kết quả.

Các bậc phụ huynh cũng sẽ lên tiếng phản đối cho rằng mô hình phát triển ở Mỹ không có nghĩa sẽ có cùng kết quả ở Việt nam. Vì họ cho rằng ngày nay trẻ dùng internet để chơi nhiều hơn học nên sẽ rất dễ lợi dụng mô hình này để phục vụ cho mục đích khác khiến kết quả học tập đi xuống. Phụ huynh không thể kiểm soát 24/24 còn giáo viên thì không biết học sinh của mình có đang học hay chơi. Tính kỷ luật bị nới lỏng khiến cho việc kiểm soát quá trình học tập của các em rất khó khăn, đòi hỏi mỗi học sinh phải nâng cao tinh thần tự giác của bản thân.

Phụ huynh thì chưa mấy đồng thuận, học sinh thì thật khó để tự giác nhưng khó khăn hơn cả vẫn là giáo viên. Họ sẽ phải cập nhật mô hình, loại bỏ lối giáo dục truyền thống đã theo mình nhiều năm qua, nâng cao nghiệp vụ sư phạm và bỏ ra không ít tiền để theo kịp cơ sở vật chất giảng dạy.

3.3. Cách đưa Flipped Classroom vào cải tiến mô hình học tập

Mô hình này chọn học sinh làm trung tâm vậy nên muốn lớp học đảo ngược thu về thành công phải bắt đầu định hướng từ người học. Cần phải nâng cao tính tự giác trong học tập của mỗi học sinh bằng cách thay đổi dần phương thức giảng dạy tại các cấp học THCS và THPT. Đưa việc chủ động trong học tập của Flipped Classroom vào trước để các em củng cố ý thức trước khi ứng dụng công nghệ vào học tập.

Thiết kế các buổi giảng dạy cho giáo viên về cách thức sử dụng công nghệ trong giảng dạy. Từ việc xác định nội dung bài giảng xem có phù hợp để ghi hình hay không. Cho đến việc sử dụng thành thạo PowerPoint để thiết kế bài giảng, sử dụng thành thạo các thiết bị ghi âm, ghi hình. Bước đầu giáo viên có thể thấy khó khăn và vất vả trong việc sử dụng các thiết bị này nhưng khi đã thành thạo thì việc giảng dạy trở nên rất nhàn hạ. Phía nhà trường có thể kêu gọi tài trợ để trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho lớp học.

Các trường đại học có thể là môi trường lý tưởng để áp dụng thí điểm mô hình lớp học đảo ngược , bởi cá nhân các sinh viên đều đã ý thức được ý nghĩa của việc học tại thời điểm này nên vấn đề tự giác sẽ không còn là vấn đề quan ngại với trung tâm của mô hình. Tỷ lệ thành công của Flipped Classroom khi áp dụng tại đại học sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn các cấp học khác, điển hình là sự thành công của Đại học FPT trong mô hình thí điểm.

Flipped Classroom – lớp học đảo ngược là một mô hình học tập đang rất thành công tại các nền giáo dục tiên tiến. Mô hình này đang từng bước tiến vào nền giáo dục Việt nam với những kết quả ban đầu rất khả quan. Tuy chưa thể thay thế ngay được phương pháp giáo dục truyền thống nhưng lớp học đảo ngược cũng có có những lợi thế nhất định đáp ứng được xu hướng ngày càng phát triển của xã hội. Hi vọng mô hình sẽ được nhân rộng và phổ biến tại Việt Nam.

>> Tham khảo thêm:

 Điểm: 2.9  (17 bình chọn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

15/07/2022

Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

13/07/2022

ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

14/06/2022

Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.

03/06/2022