Blog

Dàn ý và bài văn phân tích Chữ người tử tù

14/07/2019

CHIA SẺ BÀI VIẾT

Khi nhắc đến người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Tuân, người ta nghĩ ngay đến một con người luôn luôn khát khao tìm kiếm cái đẹp, cái hoàn mỹ, hướng con người ta đến cái chân – thiện – mỹ. Tác giả đã dồn hết tài năng, tâm huyết vốn có của mình để vẽ lên khung cảnh cho chữ tuyệt bích – cảnh tượng xưa nay chưa từng có và từ đó làm nên giá trị nghệ thuật đặc sắc cho tác phẩm “Chữ người tử tù”. Cùng phân tích cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân để thấy được “cảnh tượng nghệ thuật đắt giá có một không hai” và hiểu thêm về nghệ thuật chân chính cũng như quan điểm về cái đẹp của tác giả được gửi gắm qua chi tiết này.

Dàn ý Phân tích Chữ người tử tù

I. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Tuân: Một cây bút tài hoa độc đáo, có vị trí quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam.

- Khái quát chung về tác phẩm Chữ người tử tù: Một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách tài hoa nghệ sĩ của ông, được in trong tập Vang bóng một thời (1940).

II. Thân bài

1. Tình huống truyện

+ Không gian: nhà tù - Đây không phải là nơi dành cho những cuộc gặp gỡ.

+ Thời gian: những ngày cuối cùng trước khi ra pháp trường của Huấn Cao.

⇒ Không gian và thời gian góp phần tạo nên kịch tính cho tình huống.

- Cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người khác thường:

⇒ Cuộc hội ngộ diễn ra giữa chốn ngục tù

2. Nhân vật Huấn Cao

a. Một người nghệ sĩ tài hoa

- Người khắp vùng tỉnh Sơn khen Huấn Cao là người:

+ có tài viết chữ “rất nhanh và rất đẹp”.

+ “ Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm … có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật ở trên đời”.

b. Một con người có khí phách hiên ngang bất khuất

- Là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình.

- Ngay khi đặt chân vào nhà ngục: Thản nhiên rũ rệp trên thang gông:

⇒ khí phách, tiết tháo của nhà Nho

- Khi được viên quản ngục biệt đãi: “Thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”

⇒ phong thái tự do, ung dung, xem nhẹ cái chết.

- Trả lời quản ngục bằng thái độ khinh miệt: “Ngươi hỏi ta muốn gì ... vào đây”.

⇒ Không khuất phục trước cường quyền.

⇒ khí phách của một người anh hùng.

c. Một nhân cách, một thiên lương cao cả

- Tâm hồn trong sáng, cao đẹp: “Không vì vàng ngọc hay quyền thê mà ép mình viết câu đối bao giờ” ⇒ trọng nghĩa, khinh lợi, chỉ cho chữ những người tri kỉ.

- Khi chưa biết tấm lòng của quản ngục: xem y là kẻ tiểu nhân

- Khi biết tấm lòng 'biệt nhỡn liên tài'' của quản ngục: Huấn Cao nhận lời cho chữ

⇒ Chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và quý cái đẹp.

- Câu nói của Huấn Cao với quản ngục: “Thiếu chút nữa ... trong thiên hạ”

⇒ Sự trân trọng đối với những người có sở thích thanh cao, có nhân cách cao đẹp.

⇒ Huấn Cao là một anh hùng - nghệ sĩ, một thiên lương trong sáng.

3. Nhân vật quản ngục

a. Tấm lòng biệt nhỡn liên tài

- Trong những ngày Huấn Cao trong ngục, quản ngục luôn bày tỏ thái độ nghiêm kính khiêm nhường

- Dũng cảm biệt đãi Huấn Cao

- Cảm thấy tiếc nuối khi biết Huấn Cao sắp phải từ giữ cõi đời: “Bấy nhiêu ... vũ trụ”.

b. Sự khát khao và trân trọng cái đẹp

- Khát khao cái đẹp: mong ước của ông là “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối” do chính tay Huấn Cao viết.

- Lo lắng nếu như không xin được chữ ông Huấn trước khi bị hành hình thì “ân hận suốt đời mất”

4. Cảnh cho chữ

- Thời gian: đêm trước khi Huấn Cao ra pháp trường chịu án chém, khi chỉ còn “vẳng có tiếng mõ trên vọng canh”

- Địa điểm: trại giam tỉnh Sơn

- Không gian: buồng tối chật hẹp, ẩm ướt...

- Đây là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có" :

+ Thân phận và hành động của người cho chữ và nhận chữ đặc biệt:

+ Xây dựng được các cặp phạm trù đối lập nhau

- Chi tiết quản ngục cúi đầu vái lạy người tử tù Huấn Cao: sự thức tỉnh trước cái đẹp, quản ngục đã thoát ra những cái tầm thường, ràng buộc để vươn tới cái cao đẹp.

⇒ Toàn bộ cảnh cho chữ là bài ca tôn vinh cái đẹp, cái thiện, cái thiên lương của con người trong hoàn cảnh tối tăm ngục tù bậc nhất.

III. Kết bài

- Khẳng định những nét nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công của tác phẩm

- Chữ người tử tù là một văn phẩm xuất sắc đạt “gần đến sự toàn thiện, toàn mĩ”.

2. Bài văn mẫu phân tích Chữ người tử tù

Bài tham khảo số 1: Phân tích cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho hiếu học, Nguyễn Tuân đã dành cả cuộc đời mình để săn tìm cái đẹp hướng đến chân – thiện – mỹ. Không thể phủ định được những đóng góp lớn lao của ông cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm “Chữ người tử tù” trích trong tập “Vang bóng một thời” là truyện ngắn đặc sắc đánh dấu tài năng nghệ thuật của Huấn Cao trước cách mạng tháng Tám và được coi là một tác phẩm gần như đạt đến độ hoàn mĩ. Ở cuối tác phẩm, cảnh cho chữ là cảnh được tác giả tập trung miêu tả, tô đậm vẻ đẹp của người anh hùng Huấn Cao, qua chi tiết đó tác giả muốn khẳng định sự chiến thắng của thiên lương. Có thể nói đây cảnh tượng đắt giá nhất xưa nay chưa từng có.

Chúng ta có thể thấy, từ xưa tới nay chơi chữ là thú vui tao nhã, thanh cao của những người có học thức, các sĩ tử,... Các câu đối, châm ngôn cuộc sống, bài thơ nổi tiếng được những người nghệ sĩ thư pháp uyển chuyển viết lên giấy giúp cho tâm hồn của con người được thư thái. Chơi chữ chính là nói lên cái đẹp, tài năng và trí tuệ của con người. Chúng ta sẽ thường bắt gặp cảnh cho chữ được diễn ra ở những nơi trang trọng, có đủ trăng hoa tuyết nguyệt để khơi nguồn cảm xúc, rồi từ đó có những nét chữ uyển chuyển trong đó có cả cái hồn riêng được ra đời. Nhưng với sự sáng tạo của Nguyễn Tuân thì cảnh cho chữ là một cảnh tượng hết sức lạ lùng, vượt ra khỏi những chuẩn mực xã hội xưa cũ và cho đến bây giờ chúng ta vẫn gọi đó là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Nhưng chính chi tiết lạ lùng ấy đã làm cho giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm được nâng lên, từ đó tạo nên sức lôi cuốn và hấp dẫn cho bạn đọc.

Không gian và thời gian trong cảnh cho chữ được tác giả miêu tả rất sinh động và chân thực. Vào một đêm khuya vắng lặng, khi bóng tối đã bao trùm và thống trị nơi đây. Cùng với tiếng gõ mõ vọng cạnh, nhà tù đã hiện lên một cách chật hẹp, tù túng, ẩm thấp, mệt mỏi và những tiếng thở dài bất lực trước xã hội đương thời. Một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác giờ đây lại bị giam trong nhà tù tăm tối, thế nhưng tại chính nơi hạ đẳng, tăm tối đó lại xảy ra một cảnh tượng làm rung động trái tim của những con người tài hoa chân chính.

Một không gian tăm tối không thể thấy ánh mặt trời dù là ngày hay đêm, trong khung cảnh như vậy có ba người “đang chăm chú trên một tấm bạch còn nguyên vẹn lần hồ”. Ngay lúc này buồng gian ngập tràn “khói tỏa như đám cháy nhà”, “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu”, họ đang chăm chú với niềm hạnh phúc dâng trào để tạo nên một tác phẩm hoàn mỹ. Sự đối lập về vị thế giữa Huấn Cao – người cho chữ và người nhận chữ - viên quản ngục, tác giả đã khắc họa sắc nét, sinh động từng hành động, cử chỉ và thái độ của 2 nhân vật này. Chỉ qua một chi tiết nhỏ này thôi tác giả đã bộc lộ hết những phẩm chất tốt đẹp của con người nơi tăm tối.  

Có lẽ vì đứng trước cái đẹp nên những cảnh tượng xung quanh đang diễn ra bỗng nhiên như chậm lại, khiến cho trái tim con người rung động, như có một thứ gì đó bóp nghẹt, không ai nói với nhau câu nào nhưng vẫn đủ để cảm nhận được niềm hạnh phúc, vui sướng đang tuôn trào trong lồng ngực của mỗi con người yêu cái đẹp nơi tù túng này. Ta có thể thấy lạ, là một viên quản ngục “quyền cao chức trọng” nhưng lại cúi đầu trước một người tù, thực chất viên quản ngục đang cúi đầu trước cái vẻ đẹp tài hoa và người tử tù có tấm lòng thiên lương trong sáng. Khi nét chữ cuối cùng đã viết xong Huấn Cao thở dài buồn bã, ông khuyên viên quản ngục nên đổi nghề và đổi chỗ ở để có thể giữ cho thiên lương trong sáng, thức tỉnh và cứu rỗi tâm hồn viên quản ngục đang bị tha hóa, rối ren, rơi vào nơi vấy bẩn của xã hội. Trước những lời khuyên đó, viên quản ngục đã xúc động, cảm kích và kính trọng Huấn Cao, những giọt nước mắt lăn dài trên má ông chính là những giọt nước mắt thể hiện sự tiếc thương cho số phận người anh hùng đầy khí phách Huấn Cao.

Qua cảnh cho chữ đầy xúc động, tác giả Nguyễn Tuân đã ngầm khẳng định vị thế của cái đẹp thiên lương, ở bất cứ đâu, cho dù là nơi tối tăm nhất thì cái đẹp vẫn tồn tại, thậm chí là tồn tại không đơn độc. Nó như một sức mạnh vô hình chỉ đường dẫn lối cho những người tốt có tấm lòng nhân hậu đang bị lạc nơi bóng tối bao trùm và tội ác hoành hành trở về đúng con đường chân chính, tươi đẹp. Người đọc có thể cảm nhận được rằng tác giả là người giàu kiến thức, có sức tưởng tượng cô cùng phong phú và độc đáo. Chính vì vậy mà tác giả có thể vẽ nên một bức tranh với hai mảng màu sáng tối đối lập nhau gay gắt, một bên là màu của khung cảnh tăm tối nơi ngục tù, một bên là ánh sáng chói lóa của nét đẹp hoàn mỹ.

Kết tinh bởi tài năng, sáng tạo và tư tưởng độc đáo Nguyễn Tuân đã biến cảnh cho chữ thành cảnh tượng chưa nay chưa từng có. Tác phẩm đã thể hiện sự tiếc nuối của chính tác giả và người đọc trước số phận của những con người yêu cái đẹp, luôn hướng đến cái chân – thiện – mỹ. Xen vào đó, tác giả đã khéo léo bày tỏ tấm lòng của mình một cách kín đáo, tiếc thương trước số phận người anh hùng nhân hậu, khí phách và có nhân cách cao thượng.

Bài tham khảo số 2: Cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” 

Khi nhắc đến lối văn chương hướng đến cái đẹp chân chính, người ta nghĩ ngay đến người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Tuân, dành cả cuộc đời để tìm kiếm cái đẹp. Trong các sáng tác của Nguyễn Tuân nói chung và tác phẩm “Chữ người tử tù” nói riêng, tác giả đã miêu tả nhân vật của mình như một người nghệ sĩ đầy tài năng.Bên cạnh đó, nhà văn còn khéo léo sáng tạo lên một cảnh tượng vô cùng độc đáo, cảnh tượng xưa nay chưa từng có đó là “cảnh cho chữ” – đây là chi tiết được đánh giá là xuất sắc nhất của thiên truyện.

Tác phẩm lúc đầu có tên là “Dòng chữ cuối cùng” sau đó được đổi thành “Chữ người tử tù”. Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan đã đánh giá “đây là một văn phẩm đạt gần tới sự hoàn mỹ”. Nhân vật chính trong truyện ngắn này chính là Huấn Cao – một con người văn võ song toàn, một người anh hùng có tấm lòng nhân hậu và thiên lương trong sáng. Huấn Cao có tiếng là người có tài viết chữ nhanh và đẹp, những người biết chơi chữ thời bấy giờ ai cũng mong muốn có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà. Nghệ thuật thư pháp và tài hoa uyên bác chính là 2 phẩm chất cao thượng tồn tại trong con người Huấn Cao. Văn hóa, quan niệm về nhân thế được ẩn chứa trong từng nét chữ của ông, người ta treo chữ của ông trong nhà không chỉ là để ngắm và thưởng thức cái đẹp mà còn để suy ngẫm về những tư tưởng sâu sắc. Nhưng không phải ai cũng có thể có được chữ Huấn Cao, ông chỉ cho những người thân tri kỉ, chính vì vậy có được chữ của Huấn Cao treo trong nhà người ta coi đó là báu vật. Huấn Cao không chỉ nổi tiếng là người viết chữ đẹp, có tài về nghệ thuật mà ông còn là người có thiên lương. Ông không phải là người vì tiền bạc, vì quyền uy mà ép mình làm những điều trái với lương tâm, trái với luân thường đạo lý.

Ngay cả khi bước vào tù lao, phải vác trên vai cái gông lớn bằng gỗ lim, ông không những không run sợ mà trước lời quát nạt của tên lính áp giải mà vẫn lạnh lùng “thúc mạnh đầu thang gỗ gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Khi bị giam trong nhà lao, ngày ngày viên quản ngục sai người đưa rượu thịt vào, ông thản nhiên đón nhận và coi đó là “hứng sinh bình”, thậm chí ông còn coi khinh viên quản ngục, ông không muốn viên quản ngục bước chân vào phòng giam của mình thêm một lần nào nữa.  

Một người ngang tàn, có tài năng nghệ thuật, vị anh hùng khí phách rất ít khi cho ai chữ của mình. Thế nhưng khi hiểu ra được tấm lòng của viên quản ngục, biết ông bất chấp cả tính mạng của mình vì cái đẹp, vì thú vui cao quý, Huấn Cao đã có sự thay đổi định kiến của mình về viên quản ngục, ân hận về việc thiếu chút nữa đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ và quyết định tặng chữ cho viên quản ngục. Chính lúc này, trong không gian của nhà tù chật chội, tăm tối, bên cạnh thứ ánh sáng đỏ rực của bó đuốc, tỏa sáng cả buồng giam chật hẹp ẩm thấp hôi hám đầy mùi phân gián, phân chuột hôi hám thì thiên lương của ông được tỏa sáng, cũng ngay chính lúc này cái đẹp chính thức lên ngôi. Hằng ngày viên quản ngục khét tiếng tàn bạo giờ lại khúm núm, cúi đầu. Còn kẻ tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” bị giam hãm về thể xác nhưng nhân cách ông lại tự do khác hẳn với kẻ tự do về thể xác nhưng lại bị trói buộc về tâm hồn tại nơi ngục tù tăm tối, nơi cái ác thống trị.  

Từng nét chữ vừa đẹp vừa uyển chuyển của Huấn Cao dần xuất hiện trên tấm lụa trắng. Chính nơi đầy tăm tối và tội ác bao trùm này đã cái đẹp đã nảy sinh và lên ngôi. Ngay sau khi cho chữ xong Huấn Cao còn cho viên quản ngục lời khuyên nên đổi nghề, đổi chỗ ở để có thể giữ cho thiên lương trong sáng bền vững. Chính cái thiên lương cao đẹp của Huấn Cao đã làm sáng bừng cả thiên lương ẩn dấu sâu bên trong con người viên quản ngục. Hành động của viên quản ngục “vái” Huấn Cao nó thể hiện sự kính trọng, biết ơn và những giọt nước mắt của viên quản ngục xót thương cho số phận người anh hùng Huấn Cao. Cảnh cho chữ không diễn ra ở nơi trăng hoa tuyết nguyệt mà nó lại diễn ra ngay trong ngục tù tăm tối nơi cái ác và bóng tối bao trùm, nơi mà cái ác ngự trị cũng chính là nơi cái đẹp lại “khai sinh”. Nguyễn Tuân đã xây dựng nhân vật Huấn Cao đại diện cho vẻ đẹp hoàn mỹ, và những tư tưởng đẹp đẽ của ông sẽ mãi ở lại với đời và sẽ theo viên quản ngục trong suốt cuộc đời còn lại.

Qua tác phẩm, tác giả không chỉ muốn phê phán đúng thực trạng xã hội đương thời mà còn thể hiện sự khác lạ của tình huống truyện. Hai con người hoàn toàn đối lập nhau nhưng số phận lại đưa hai con người này đến với nhau và trở thành tri kỉ. Một người là viên quản ngục – công cụ trấn áp kẻ tù tội phục vụ triều đình, còn Huấn Cao lại là người chống đối lại triều đình. Để có thể đưa tác phẩm đi đến thành công tác giả đã kết hợp nghệ thuật đối lập tương phản, kết hợp hài hòa giữa bút pháp tả thực và bút pháp lãng mạn. Không gian ẩm thấp nơi buồng giam, ánh sáng ngọn đuốc như ánh sáng của thiên lương, của tài năng, khí phách, bóng tối của màn đêm bao trùm của ngục tù chính là hiện thân của cái ác đối lập với ánh sáng của ngọn đuốc đại diện cho ánh sáng tài năng đã được tác giả miêu tả một cách sinh động và chân thực.

Có thể nói thành công trong nghệ thuật là nhờ tác giả đã dồn hết tài năng và tâm huyết, ông luôn hướng tới cái đẹp, cái chân - thiện – mỹ, cái phi thường, lý tưởng, cái đẹp phải tuyệt mỹ, đã tài là phải siêu phàm. Chính những điều này đã làm nên giá trị đặc sắc cho tác phẩm “Chữ người tử tù” để rồi đến tận bây giờ người ta vẫn gọi cảnh cho chữ trong tác phẩm là “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”.

Bài văn mẫu số 3: Phân tích nhân vật Huấn Cao

Nguyễn Tuân là người nghệ sĩ tài hoa suốt đời đi tìm kiếm cái đẹp, cái đẹp tỏa ra từ những con người, những sự vật, sự việc tưởng chừng như hết sức bình thường. Nguyễn Tuân trong tập “Vang bóng một thời” đã khắc họa thành công những nhân vật điển hình, tài hoa như thế, tiêu biểu là nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù”.

Trong truyện “Chữ người tử tù”, có ba nhân vật được nhắc đến đó là Huấn Cao, nhân vật viên quản ngục, thầy thơ lại, Nguyễn Tuân đã tập trung khắc họa nhân vật Huấn Cao ở ba đặc điểm, là một người nghệ sĩ tài hoa, một người có khí phách hiên ngang và một tâm hồn thiện lương. Huấn Cao là một nhân vật điển hình cho cái đẹp, được Nguyễn Tuân chú trọng xây dựng và để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc.

Trước tiên, ta thấy Huấn Cao là một người có tài, một người nghệ sĩ không những giỏi thư pháp mà còn hiểu biết về võ thuật và có tài bẻ khóa. Tài năng của ông được giới thiệu trước khi ông xuất hiện, đã được biết đến khắp vùng với “tài viết chữ nhanh và rất đẹp”. Tài năng ấy chính là lý do khiến người quản ngục sùng kính Huấn Cao ngay từ khi chưa gặp mặt “Chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm, có được chữ ông Huấn mà treo là một vật báu trên đời.

Không chỉ có tài viết chữ mà Huấn Cao còn là người kẻ sĩ dám xả thân vì nghĩa lớn. Ông là người đứng đầu đứng về phía nhân dân chống lại triều đình, ông được xem là người “chọc trời khuấy nước”, coi thường cường quyền bạo lực, dường như chẳng biết ai trên đời nữa. Trong con mắt của thầy thơ lại Huấn Cao là một người toàn tài đến nỗi thầy thơ lại phải thốt lên “văn võ toàn tài cả, chà chà”.

Toàn tài như vậy, Huấn Cao trong miêu tả của Nguyễn Tuân còn là một người có khí phách hiên ngang, ông có tài và biết trọng cái tài của mình. Được nhiều người mến mộ bởi nét chữ đẹp nhưng không phải ai Huấn Cao cũng cho chữ, ông chỉ viết chữ tặng cho những người bạn tri âm tri kỷ mà ông trân quý. Chính vì vậy mà cả cuộc đời ông chỉ có một bức hoành phi và ba bức bình phong. 

Huấn Cao luôn biết trọng cái tài, ông tự biết “chữ thì quý thật” nhưng không bao giờ “vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình bao giờ”. Bởi vậy mà đã từ lâu, có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà đã trở thành sở nguyện của viên quản ngục.

Khí phách hiên ngang của ông còn được thể hiện ở phong thái khi ông bước vào nhà giam. Là một người bị cầm tù, chịu sự cai quản của cai ngục, dưới chế độ nhà tù, nhưng thái độ của Huấn Cao rất điềm nhiên, không đếm xỉa đến ai, coi như trốn không người mà “khom mình, chúc mũi gông nặng, thúc mạnh vào đầu thanh gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”. Bị nhốt giam trong ngục tối nhưng thái độ của ông vẫn rát thản nhiên, vẫn làm những việc như lúc bình sinh thường làm, vẫn thản nhiên nhận rượu thịt như không hề cảm thấy đó là sự đối đãi đặc biệt.

Trước cường quyền bạo lực, ông cũng không hề e sợ, khi được viên quản ngục hỏi lễ phép có cần gì nữa không thì Huấn Cao trả lời rất thản nhiên như một lời tuyên bố “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng bao giờ đặt chân vào đây nữa”. Phàm là người quân tử, thường có ba cái “không” là “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất nang di, uy vũ bất nang khuất” (Giàu sang không phóng đãng, nghèo hèn không dối lòng, vũ lực không khuất phục), Huấn Cao chính là người quân tử “uy vũ bất nang khuất”.

Nét đẹp tâm hồn thứ ba mà Nguyễn Tuân khắc họa ở nhân vật Huấn Cao chính là vẻ đẹp của sự thiện lương. Huấn Cao không những nhận thấy và trân trọng tài năng của mình mà còn biết trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của người khác. Tấm thiên lương trong sáng của ông có sức cứu rỗi những tâm hồn khác, mà ở trong tác phẩm đó chính là nhân vật quản ngục.

Từ khi biết được tấm chân tình của quản ngục, ông Huấn đã thay đổi hẳn thái độ, xem trọng tấm chân tình mà quản ngục dành cho mình. Trước đó, ông khinh bỉ quản ngục bao nhiêu, xem thường bao nhiêu thì sau khi nghe thầy thơ lại kể những tâm tình của quản ngục thì Huấn Cao coi như đã hiểu “sở nguyện cao đẹp” của ông: “nào ta có biết, người như thầy quản đây lại có sở nguyện cao đẹp đến thế. Thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Huấn Cao đã xem quản ngục như là “một tấm lòng trong thiên hạ”, từ đây hai người đã thấu hiểu nhau, trở thành những người tri kỷ.

Tất cả vẻ đẹp tâm hồn, khí phách của Huấn Cao dường như được quy tụ lại trong cảnh cho chữ. Đây là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”, chưa từng có bởi vì người cho chữ là người tử tù mai ra pháp trường chịu án chém, người xin chữ là người quản ngục, đại diện cho tầng lớp thống trị, “chưa từng có” bởi trước ngày chịu án tử mà ở con người ấy vẫn ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, vẫn thản nhiên tặng chữ.

Nét chữ trong tờ giấy trắng như tấm lụa bạch vuông vắn, tươi tắn, thể hiện cái ý chí “tung hoành của cả một đời người”. Cảnh cho chữ dường như đối lập hoàn toàn với khung cảnh đen tối, u ám, bẩn thỉu nơi phòng giam đầy những màng nhện, tổ rệp, phân gián, phân chuột. Hình ảnh người tù “dậm tô nét chữ” trong nhà lao, đang đeo gông cùm, chân vướng xiềng xích chính là nét đẹp của người nghệ sĩ chân chính trong cảnh ngục tù. Mọi sự thăng hoa dường như đều được nén lại để quy tụ lại trong cảnh cho chữ ấy.

Vẻ đẹp tâm hồn của Huấn Cao còn thể hiện ở lời khuyên cuối cùng mà ông dành cho người quản ngục, trước tiên là phải thay chốn ở, nơi làm việc bởi ông Huấn hiểu được không gian sống có thể tác động đến nhân cách của một con người như thế nào. Ông đưa ra lời khuyên chân thành, trước khi ra pháp trường chịu án tử, ông vẫn kịp cứu rỗi một tâm hồn thiện lương nhưng phải sống trong môi trường có thể khiến con người ta thay đổi nhân tính “ở đây lẫn lộn ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa với những nét chữ vuông tươi tắn nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời người”, ông càng hiểu rõ “ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững được và rồi cũng nhen nhuốm mất cả cái đời lương thiện đi”. 

Với nghệ thuật xây dựng nhân vật, đặt nhân vật vào những tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật đối lập, miêu tả nhân vật giàu chất tạo hình, Nguyễn Tuân đã thành công trong việc khắc họa nét đẹp tài hoa, khí phách, thiên lương trong sáng của người tử tù Huấn Cao. Vẻ đẹp hài hòa, tài hoa ấy sẽ còn sáng mãi trong những trang văn của Nguyễn Tuân- người tự nhận là người suốt đời đi tìm kiếm cái đẹp, cho đến mãi về sau. 

Bài văn mẫu số 4: Phân tích nhân vật người quản ngục

“Chữ người tử tù” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân, thể hiện tài hoa của người nghệ sĩ suốt đời đi tìm kiếm cái đẹp. Nguyễn Tuân không chỉ khắc họa thành công nhân vật Huấn Cao mà còn gây ấn tượng với người đọc bởi hình tượng người quản ngục. Người quản ngục sống trong môi trường đen tối nhưng lại ngời sáng những nét đẹp nhân cách mà phải là người có con mắt tinh tế, trân trọng vẻ đẹp con người thì Nguyễn Tuân mới có thể xây dựng nhân vật thành công đến vậy.

Nhân vật quản ngục giữ vai trò canh giữ tù nhân, chính bởi công việc ấy mà ông có cơ hội để gặp mặt Huấn Cao_một người tài hoa, khí phách hơn người, mặc dù hoàn cảnh gặp gỡ có phần khác người và còn éo le, bởi một người là người canh ngục, một người là tử tù phải chịu án chém. Tuy nhiên, nhân vật quản ngục trong tác phẩm của Nguyễn Tuân khác những người quản ngục khác ở chỗ, ông không hề coi Huấn Cao là tử tù, mà ông luôn bày tỏ một thái độ trân trọng, kính trọng người tù.

Đó chính là tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của người quản ngục, coi trọng cái tài, người tài và biết nhìn thấy cái đẹp đang hiện hữu. Ngay từ khi Huấn Cao chưa được chuyển vào ngục, ông đã mong chờ bởi nghe danh ông Huấn đã lâu, nổi tiếng với tài “viết chữ nhanh và đẹp”, lại còn là người biết đánh võ, biết bẻ khóa vượt ngục. Đáng ra người quản ngục nên coi đó là một mối nguy hiểm, nhưng thái độ của ông lại thể hiện rõ sự kính trọng.

Khi Huấn Cao đến nhà giam, thái độ của ông khác hẳn với cách ông đối đãi với những người tử tù khác, đến nỗi mà bọn lính canh còn phải ngạc nhiên vì ông rất khác ngày thường. Người quản ngục không hề đánh đập Huấn Cao mà còn dũng cảm đối đãi đặc biệt với ông, ngày nào cũng sai người mang rượu thịt vào. Ông còn cho người vào dọn qua phòng giam để Huấn Cao có một phòng giam tốt nhất, điều mà trước đó ông chưa bao giờ làm, ông cũng tỏ rõ mong muốn của mình “ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại”

Khi nhận thấy thái độ, khinh bỉ, tức giận của Huấn Cao, người quản ngục vẫn không hề thay đổi thái độ, bởi ông hiểu, một người như ông Huấn có thái độ như vậy với ông cũng là điều dễ hiểu. Ông chỉ lặng lẽ lui ra và đi làm công việc của mình. Tất cả những hành động này của người quản ngục càng tỏ rõ ông là người biết coi trọng người tài, có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”.

Không chỉ vậy, qua ngòi bút khắc họa và xây dựng nhân vật của Nguyễn Tuân thì ta còn thấy quản ngục là một người biết khát khao và trân trọng cái đẹp. Ông luôn khao khát có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà, ông khao khát “Chữ ông Huấn đẹp lắm, giá như có chữ của ông Huấn treo trong nhà thì quả là vật báu trên đời”. Chính niềm khao khát ấy đã khiến ông có dũng khí để đối đãi với Huấn Cao một cách đặc biệt, trái với những luật lệ trong nhà tù.

Ông cũng là người hiểu rõ được con người khí phách như Huấn Cao, biết được tính Huấn Cao sẽ không vì danh lợi hay cường quyền mà cho chữ, Huấn Cao chỉ tặng chữ cho những chỗ tri kỉ “trừ những chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Chính vì vậy mà người quản ngục lại càng lo lắng vì nếu không xin được chữ của ông Huấn thì ông ân hận suốt đời mất. Nỗi lo sợ ấy phần nào cũng thể hiện được tấm lòng trân trọng của người quản ngục, vì trân trọng nên mới sợ mất đi, vì trân trọng nên mới sợ không xin được chữ.

Tấm lòng biệt nhỡn liên tài, trân trọng cái đẹp của người quản ngục được thể hiện rõ nét nhất trong cảnh cho chữ. Để xin được chữ của ông Huấn, quản ngục đã phải vất vả lắm, và khi đã được Huấn Cao đồng ý cho chữ, quản ngục càng thêm cẩn trọng. Ông đã chuẩn bị một “tấm lụa trắng còn nguyên vẹn lần hồ”, biểu hiện khi xin chữ “khúm núm, run run” là sự ngưỡng mộ, trân quý từng phút giây cao quý thiêng liêng này.

Ở trong khung cảnh cho chữ, mọi thứ đều đối lập, từ vị trí của người quản ngục và người tử tù, từ người cho chữ và người xin chữ, từ cái bẩn thỉu, đen tối của nhà giam đến màu trắng tinh của tấm lụa, mùi thơm của nghiên mực và ngọn đuốc cháy trong đêm, duy chỉ có một thứ duy nhất đồng điệu ấy chính là tấm lòng trân trọng và ngưỡng vọng cái đẹp của hai con người đã hiểu tấm lòng của nhau. Tâm hồn của người quản ngục được ví như “một thanh âm trong trẻo” nơi ngục tù, Ở đây có một người có tài và một người biết trọng tài, một người có tâm và một người trân trọng tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” ấy, coi như là “một tấm lòng trong thiên hạ”.

Khi nhận được lời khuyên chân thành của Huấn Cao, quản ngục vô cùng cảm tạ và “cúi đầu vái lạy” người tù cùng giọt nước mắt rỉ vào kẽ miệng. Ông đã thoát ra khỏi sự mê muội và thức tỉnh trước cái đẹp. Chính bởi vậy mà phải chăng Nguyễn Tuân đã sử dụng hình ảnh một ngôi sao sáng trên bầu trời vụt tắt, truyền ánh sáng cho những ngôi sao khác. Người tử tù trước khi ra pháp trường còn kịp thời cứu rỗi một tâm hồn. Đây chính là nét đẹp ngời sáng trong thiên truyện.

Như vậy, với thủ pháp đối lập, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tài tình, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công nhân vật quản ngục với những nét đẹp tâm hồn ngời sáng, luôn vươn tới cái đẹp. Những nhân vật mà Nguyễn Tuân khắc họa trong “Vang bóng một thời” đều là tiếng nói của thiên lương, của tinh thần yêu và trân quý cái đẹp.Vẻ đẹp của nhân vật quản ngục cũng như những giá trị mà “vang bóng một thời” nói chung cũng như “chữ người tử từ nói riêng sẽ còn vang mãi trong lòng người đọc từ nay cho đến mãi về sau. ta sẽ mãi trân trọng cây bút tài hoa và tâm lòng yêu thương, trân trọng con người, luôn khám phá vẻ đẹp tài hoa ở những con người bình dị nhất của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân.

Hy vọng qua những bài văn mẫu phân tích "Chữ người tử tù" trên đây, bạn học sẽ có nguồn tham khảo hữu ích để học môn Ngữ Văn tốt hơn.

>> Tham khảo thêm:

 Điểm: 2.9  (17 bình chọn)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

15/07/2022

Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

13/07/2022

ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

14/06/2022

Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.

03/06/2022