Đoạn trích “Trao duyên” là một đoạn trích tiêu biểu cho bút pháp tài hoa của Nguyễn Du trong việc thể hiện nỗi đau đớn của Thúy Kiều khi phải cậy nhờ Thúy Vân giúp mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Cùng Vieclam123.vn tìm hiểu về dàn ý chi tiết bình giảng đoạn trích này và một số bài văn mẫu tiêu biểu.
1.1 Mở bài
-Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du, tác phẩm “Truyện Kiều” và đoạn trích “Trao duyên”
1.2 Thân bài
-Mở đầu thân bài, giới thiệu về hoàn cảnh đoạn trích: gia đình Kiều bị vu oan, cha và em bị bắt, Kiều phải nghĩ cách để cứu được cha và em. Kiều đã quyết bán mình chuộc cha, nhưng vẫn còn vướng mắc làm thế nào để trọn tình với “chàng Kim”. Nàng chỉ có thể cậy nhờ Thúy Vân để thay mình trả nghĩa tình với Kim Trọng, bởi nàng luôn ám ảnh về cái chết và số phận nghiệt ngã sẽ đến với mình.
-Phân tích đoạn trích: đoạn thơ dài 34 câu, từ câu 732 đến câu 756 trong “truyện Kiều”, là đoạn Kiều “trao duyên” cho Thúy Vân, cũng là đoạn thơ khởi đầu cho bi kịch quãng đời 15 năm lưu lạc của Kiều. Đoạn trích là nỗi đau của Kiều, khóc than cho mối tình đầu tan vỡ, cảm giác tội lỗi vì bản thân là người con gái phụ bạc, không trọn tình trọn nghĩa với Kim Trọng.
Cụ thể:
*12 câu thơ đầu: Lời của Kiều để thuyết phục Thúy Vân.
-Hai câu thơ đầu: Lời nhờ cậy của Kiều với Vân “Cậy em em có chịu lời/Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”, từ “cậy” là một động từ mang nghĩa nhờ vả, nhưng lại mang một trạng thái đau đớn, nặng nề, gợi sự quằn quại, đau đớn, khó nói. Ẩn sâu trong chữ “cậy” ấy là một sự gửi gắm, hy vọng thiết tha Thúy Vân có thể giúp đỡ cho mình. Tác giả không dùng chữ “nhận lời” mà là “chịu lời”. “Nhận” mang sắc thái nhẹ hơn, có thể làm hoặc không, nhưng tự “chịu” mang tính chất bắt buộc, không thể không nhận.
Thúy Kiều là chị nhưng khi phải cậy nhờ Vân, cử chỉ, thái độ của nàng lại là thái độ kính cẩn, trang trọng với người bề trên. Ở cử chỉ ấy lộ rõ sự biết ơn với người đã giúp đỡ, ban ơn cho mình. Hành động “lạy, thưa” của Kiều thể hiện sự trang nghiêm và mức độ quan trọng của sự việc sắp được nói ra.
=> Qua cách nói này ta thấy sự thông minh, khéo léo của Thúy Kiều cũng như nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tài tình của Nguyễn Du.
-10 câu tiếp theo: Kiểu đưa ra lý lẽ trao duyên của mình
+Trước tiên, Kiều kể về mối tình với chàng Kim, là một mối tình đẹp “khi ngày hẹn ước, khi đêm chén thừa” nhưng “giữa đường đứt gánh tương tư”, mối tình này không thể có một kết thúc tốt đẹp bởi “sự đâu sóng gió bất kì” chính là nói về việc gia đình Kiều gặp phải biến cố lớn.
Kiều đã từng băn khoăn “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”, bởi giữa tình và hiếu khó có thể “khôn lẽ hai bề vẹn hai”. Chính vì vậy, Kiều đã quyết định đặt chữ hiếu trước chữ tình. Kiều đã thổ lộ câu chuyện, mối tình ngang trái của mình để Vân có thể thấu hiểu. Bằng những thành ngữ, những điển tích dân gian và hình ảnh đầy tính tượng trưng, Kiều đã gợi ra mối tình nồng thắm, nhưng dang dở và đầy bất hạnh của mình.
Kiều biết trao duyên như vậy là thiệt thòi cho người em gái của mình bởi đây cũng chỉ là một “mối tơ thừa”. Vì vậy, Kiều dùng những lời lẽ van nài, để thuyết phục Thúy Vân.
+Ngày xuân em vẫn còn dài: Nhìn về thực tại, Thúy Vân vẫn còn là một người con gái trẻ, vẫn còn cả một tương lai, quãng đường dài phía trước.
+Xót tình máu mủ thay lời nước non: Kiều dùng tình cảm máu mủ để thuyết phục người em của mình. “Lời nước non” là lời thề non, hẹn biển, son sắc thủy chung, “thay lời nước non” là thay chị trả nghĩa cho Kim Trọng.
+Chị dù thịt nát, xương mòn/Ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây: thành ngữ để nói về cái chết mãn nguyện của Kiều nếu Thúy Vân có thể chấp nhận lời cậy nhờ của mình.
Cách lập luận ở những câu thơ trên hết sức chặt chẽ, cho thấy Kiều là một người sắc sảo tinh tế, đưa ra những lý do để Thúy Vân thấy hợp tình hợp lí và khó có thể từ chối.
Nghệ thuật: 12 câu thơ đầu sử dụng điển tích, điển cố phong phú, các thành ngữ dân gian, ngôn ngữ tinh tế, giàu hình ảnh, lập luận chặt chẽ thể hiện tâm trạng và cảm xúc phức tạp của Kiều trong lúc nói lời trao duyên với Thúy Vân.
*14 câu thơ tiếp theo: Thúy Kiều trao kỷ vật tình yêu của mình với chàng Kim cho Vân
-6 câu thơ đầu: Kiều trao kỉ vật cho Vân
+Kỷ vật bao gồm “chiếc vành với bức tờ mây”, kỷ vật đơn sơ nhưng thiêng liêng, gợi lên quá khứ hạnh phúc.
+Kiều xem như mình đã chết khi tình yêu tan vỡ, lời than của Kiều thấm đẫm lệ. Trong câu thơ ẩn chứa sự đau đớn, đầy tuyệt vọng của Kiều, đồng thời thể hiện được tấm lòng thủy chung một lòng hướng về Kim Trọng, dù cho trao kỷ vật tình yêu nhưng “duyên này vẫn giữ”.
+Thúy Kiều dặn dò Thúy Vân: “đền nghì trúc mai” đền ơn đáp nghĩa, “rưới xin giọt nước” tẩy oan cho chị, thể hiện nỗi bứt rứt, dằn vặt trong lòng Kiều, lúc này Kiều càng nhớ thương Kim Trọng hơn
14 câu thơ là khối mâu thuẫn lớn trong tâm trạng Thúy Kiều, trao kỉ vật cho em mà lời gửi trao chất chứa bao đau đớn, giằng xé, tan nát cõi lòng.
Nghệ thuật: Câu thơ sử dụng từ ngữ, hình ảnh giàu giá trị biểu cảm, lời thơ cũng là lời độc thoại nội tâm của chính nhân vật.
Lời thơ ở đoạn thơ này đã chuyển từ đối thoại sang độc thoại, Kiều nhận thức rất rõ về tình trạng hiện tại của mình “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi lỡ làng”.
+Kiều tự nhận bản thân mình là người phụ bạc. Cái “lạy” lần này là Kiều dành cho Kim Trọng, cái lạy tạ lỗi với tình quân.
+Hai lần Kiều gọi Kim Trọng “Ơi Kim Lang! Hỡi Kim Lang” giọng tức tưởi, đau đớn đến mê sảng. Lúc này, Kiều đã quên bản thân mình mà chỉ nghĩ đến Kim Trọng, đó chính là đức hi sinh cao quý.
Nghệ thuật: hình ảnh giàu sức biểu cảm, gợi tả số phận đầy đau khổ, dở dang, bạc bẽo, lênh đênh, nổi trôi, ngôn ngữ biểu đạt giống như lời tự thán, gợi lên nỗi bi thương không thể chia sẻ cùng ai.
1.3 Kết bài
-Khái quát về nội dung của đoạn trích. Nêu ý nghĩa của đoạn trích trong lòng người đọc và đối với nền văn học.
Truyện Kiều là một trong những tác phẩm có sức sống lâu bền , đã đi vào lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt. Một số đoạn Kiều được trích giảng trong chương trình sách giáo khoa và trở thành một trong những tác phẩm vô cùng quan trọng, thường xuyên xuất hiện trong các kỳ thi lớn. “Trao duyên” được coi là một trong những trích đoạn vô cùng quan trọng trong chương trình Văn lớp 11. Ở đoạn trích này bạn đọc hãy cùng Vieclam123.vn tìm hiểu và phân tích sâu về bài thơ Trao duyên nhé!
Phân tích 12 câu đầu - Kiều trao duyên cho Vân
Gần ba thế kỷ trôi qua, thời gian đã hằn không ít dấu chân trên những trang Kiều xưa cổ. Vẫn không ít người khắc khoải cùng Nguyễn Du nỗi đau nhân tình thế thái thưở ấy. Các nhà phê bình văn học đã tốn không ít giấy mực cho tuyệt tác này. Với những chất liệu từ thực tế cuộc sống sau 15 năm phiêu bạt trên đất bắc và mượn cốt từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã xây dựng một tác phẩm để đời, để hàng thế kỷ trôi qua, hậu thế vẫn “quý cô Kiều như đời dân tộc”. “Trao duyên” nằm trong bố cục phần gia biến và lưu lạc, là cuộc trò chuyện của Kiều với Vân nhờ em thay mình làm tròn bổn phận với tình quân Kim Trọng.
Mở đầu cuộc trò chuyện, là lời giãi bày của nàng Kiều
"Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"
Từ đầu câu chuyện, lời thoại của Kiều đã khiến cho Vân khó có thể chối từ. Về vai vế, Kiều là chị, không cần phải thưa, phải lạy, nhưng trong hoàn cảnh trái ngang này, nàng là người nhờ vả, van xin em, hãy vì tình chị em mà chấp nhận mối lương duyên với Kim Trọng.
Trong thời gian Kim về quê hộ tang chú, cơn gia biến đã buộc Kiều phải lựa chọn “bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn”. Nàng chấp nhận bán mình chuộc cha, vì chữ hiếu mà chấp nhận lỡ mối duyên đã nặng lời thề cùng với Kim Trọng. Để phần nào bù đắp cho sự lỗi hẹn của mình, Kiều đành nhờ em gái Thúy Vân thay mình “chắp mối tơ thừa”, nối tiếp mối duyên bị đứt quãng giữa đường. Hai chữ “mặc em” như một sự phó mặc trách nhiệm cho Vân với một nỗi u sầu da diết. Những kỷ niệm ngày xưa được Kiều kể lại
"Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kỳ
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai"
Những kỷ niệm ngày xưa như cứa sâu thêm vào nỗi đau lỡ hẹn của nàng Kiều. Với Kiều, tình yêu với Kim là tình cảm vô cùng trong sáng, thiêng liêng, đã từng thề nguyện “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” nhưng với Vân, nối duyên thay chị lại là trách nhiệm. Không muốn em gái phải suy nghĩ bận lòng, Kiều đã chọn cách tâm tình về những kỷ niệm xưa cũ để Vân cảm thấy gần gũi và không bị khó xử. Bản thân Kiều muốn sống trọn vẹn nghĩa tình chung thủy, nhưng vì “tai bay vạ gió” mà đành phải ngậm ngùi lựa chọn và nhờ em “chắp mối tơ thừa”. Bản thân Kiều không muốn nàng và Vân phải đối mặt với nhau trong tình huống khó xử. Nàng đã đi vào vấn đề một cách rất khéo léo:
"Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"
Không cần vòng vo quá nhiều, Kiều đi thẳng vào vấn đề nhờ em “thay lời nước non” với Kim Trọng. Thúy Vân còn rất trẻ, cũng đang ở độ tuổi “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê”, chính là cái lý để Kiều nhờ em nối duyên thay mình. Hai chị em là máu mủ ruột rà, Kiều đã chấp nhận thiệt thòi bán mình chuộc cha, thì Vân cũng nên có trách nhiệm giúp nàng hoàn thành tâm nguyện về mối duyên còn dang dở. Phải trao đi mối duyên mà nàng vẫn hằng nâng niu, là điều đau đớn đến tột cùng, nhưng đã quyết định chọn chữ hiếu, nàng một lòng mong muốn em giúp mình trả nợ tình đối với chàng Kim.
Phân tích 15 câu tiếp theo của bài thơ trao duyên - Trao kỷ vật và dặn dò
Trao những kỷ vật đính ước cho Vân, tâm trạng Kiều rối bời đến mức mâu thuẫn:
"Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung
Dù em nên vợ, nên chồng
Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa"
Những kỷ vật của tình yêu đầu tiên vẫn còn đây: chiếc vành, tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền. Làm sao người con gái có thể tránh khỏi nỗi nhớ khi nhìn lại những vật trong đêm hẹn thề trước đây. Trao duyên cho em mà vẫn muốn “vật này của chung” thể hiện rõ tâm trạng mâu thuẫn và sự giằng xé nội tâm của Kiều. Nguyễn Du đã rất thành công trong việc xây dựng tâm lý nhân vật. Chẳng người con gái nào lại muốn san sẻ tình yêu của mình với một người khác, dù cho đó là người đó có là máu mủ ruột rà. Dù rằng Kiều trao duyên cho em, nhưng cũng không quên nhắn nhủ lại rằng, thực tâm, nàng không hề muốn như vậy, do số phận bạc bẽo đã buộc đưa đẩy Kiều đến bước đường cùng. Tình yêu ngày nào vẫn luôn khắc sâu trong nàng. Sự mâu thuẫn trong câu nói của Kiều thực chất bắt nguồn từ cảm xúc tâm lý của một người con gái mới yêu lần đầu đã bị rẽ thúy chia uyên, và chắc chắn khó có ngày gặp lại. Duyên thì trao cho em rồi thật đấy, nhưng vẫn còn muốn giữ lại một chút của tin để làm chứng minh cho tình cảm son sắt thủy chung.
Tâm trạng của Kiều ngày càng trở nên đau đớn, não nề hơn ở những đoạn tiếp theo
"Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai"
Lời nói của Kiều ngày càng não nề, như cứa sâu vào lòng người đọc. Người con gái phận mỏng như ý thức được chính tương lai mờ mịt của mình phía trước. Kiều hình dung ra được có thể phía trước chính là cái chết oan khuất mà lời thề vẫn còn mang nặng. Lời trò chuyện với Vân nhưng lại như chính lời độc thoại nội tâm với những từ ngữ mang nặng âm hưởng cô tịch, chết chóc «ngọn cỏ lá cây», «hiu hiu gió», «dạ đài», «thác oan»…Trong hoàn cảnh phải bán mình chuộc cha, Kiều không nghĩ nhiều cho bản thân mình mà vẫn coi trọng lời thề nguyền «trăm năm tạc một chữ đồng đến xương» năm nào. Tấm lòng son sắt, thủy chung của Kiều chính là một trong những lý do khiến Vân khó lòng có thể từ chối được lời phó thác của chị. Nhiều thế kỷ trôi qua, hậu thế vẫn xót thương cho cô Kiều tài hoa phận mỏng, sống vẹn nghĩa tình. Với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật và cách sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh, Nguyễn Du đã tái hiện một cách vô cùng chân thực tâm trạng của nàng Kiều vô cùng đau đớn, day dứt khi trao cho em mối lương duyên mà mình vô cùng trân quý.
Phân tích đoạn cuối cùng bài thơ trao duyên – cuộc độc thoại nội tâm của nàng Kiều
Ở cuối đoạn trích của bài thơ Trao duyên, Nguyễn Du đã để cho Kiều tự độc thoại với chính mình. Nàng như không còn ở trong cõi thực mà đang ở một cõi mơ nào đó
"Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao hết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy, hoa trôi lỡ làng
Ơi Kim Lang ! Hỡi Kim lang !
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây"
Thực chất, Kiều đang độc thoại với chính lòng mình về mối tình dang dở. Những điển cố được sử dụng một cách rất thành công «trâm gãy», «gương tan», thể hiện tình yêu đôi lứa bị xa lìa, tan vỡ. Trước khi cắt đứt mối tình đẹp vừa chớm nở, Kiều muốn nhắc lại một lần chót những kỷ niệm tươi đẹp ngày nào. Mục đích sâu xa của việc trao duyên chính là vì tình yêu của nàng dành cho Kim và phần nào muốn bù đắp lại cho người yêu bằng một mối duyên đẹp khác. Những ái ân ngày nào chỉ còn là quá vãng, duyên nợ ngắn ngủi không cho hai người đến được với nhau.
Xót xa cho mối tình mới chớm nở đã phải chia lìa, Kiều cũng xót thương cho chính mình phận mỏng. Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ không có tiếng nói, không được coi trọng, không được quyết định chính cuộc sống của mình. Lời nói của người tướng sĩ ngày nào khi nhìn dung mạo «anh hoa phát tiết ra ngoài» của nàng Kiều đã thực sự vận vào chính cuộc đời của nàng sau này. Chẳng biết ngày mai sẽ ra sao, sẽ về đâu, khi nào thì được gặp lại gia đình, gặp lại cha mẹ, gặp lại người thương… Tiếng gọi «Kim lang» nghe như tiếng khóc đau đớn xé lòng cho tình yêu lỡ dở. Chữ «lang» thường dùng chỉ để người con gái gọi chồng, ở đây, tại sao Kiều đã trao duyên cho Vân mà vẫn gọi Kim như vậy ? Có phải chăng, Kiều đang không ở cõi thực, mà đang lạc vào dòng hồi tưởng về những tháng ngày hạnh phúc bên Kim ? Câu nói bật ra, như thể hiện niềm ước vọng hạnh phúc của Kiều đồng thời thể hiện tấm lòng son sắt, thủy chung – một nét đẹp trong tâm hồn của người phụ nữ ở mọi thời đại.
Ở đoạn trích «Trao duyên », Nguyễn Du đã rất thành công trong việc xây dựng tâm lý nhân vật. Tâm trạng của nàng Kiều tưởng như rất mâu thuẫn nhưng lại rất thực. Các cung bậc tâm lý diễn biến theo mức độ tăng tiến, cho thấy nỗi đau của «Đoạn trường tân thanh », đau cho chính thân phận mình và cho một mối tình đẹp nhưng nhanh chóng phải kết thúc. Đặt mình vào chính nhân vật, Nguyễn Du khóc thương cho thân phận một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng lại bị xã hội chà đạp, mất đi quyền quyết định tương lai của mình.
Nhiều năm qua đi, truyện Kiều nói chung và đoạn trích «Trao Duyên » nói riêng đã tốn không ít giấy mực của giới phê bình văn học, vẫn bao nhiêu người đồng cảm và khóc cùng Tố Như nỗi đau thưở ấy !
Mở bài
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Mở đầu tác phẩm “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã phải thốt lên lời cảm thương, xót xa cho số phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Xuyên suốt tác phẩm “Truyện kiều”, Kiều đã phải trải qua vô vàn những bi kịch, nhưng có lẽ mở đầu cho một chuỗi những bi kịch ấy chính là khi Kiều quyết định “bán mình chuộc cha” và “trao duyên” cho người em gái của mình là Thúy Vân. Đoạn trích “Trao duyên” được xem là một trong những đoạn trích tiêu biểu, thể hiện bút pháp tài hoa của Nguyễn Du cũng như bi kịch nỗi đau của Kiều.
Thân bài
Đoạn trích đi sâu vào khai thác những diễn biến nội tâm của Thúy Kiều khi không thể trọn vẹn nghĩa tình với Kim Trọng mà phải bỏ đi mối nhân duyên này để vẹn tròn chữ hiếu. Người con gái đang sống hạnh phúc, một cuộc sống “êm đềm trướng rủ màn che”, lại có một mối nhân duyên tốt với chàng Kim “khi ngày hẹn ước khi đêm chén thề” nhưng lại phải chịu một biến cố bất ngờ ập đến với gia đình. Cha và em bị vu oan, toàn bộ gia sản bị tịch thu, gia đình lâm vào cảnh tay trắng mà không ai gánh vác, Thúy Kiều buộc phải từ bỏ mối lương duyên mới bén với Kim Trọng để gánh vác gia đình.
Đoạn trích có tổng cộng 34 câu, là một lời thoại hoàn chỉnh của nhân vật, thoạt đầu Thúy Kiều còn xưng hô “chị, em” với Thúy Vân, nhưng sau đó, nàng tự nhận thấy bản thân là “người mệnh bạc”, “người thác oan”, “hồn”, là người đã chết. Sau khi đã nhờ cậy Thúy Vân, lời thoại của Thúy Kiều chuyển sang những câu thoại tưởng tượng với người vắng mặt. Điều này thể hiện nỗi đau tột cùng của một người con gái không thể có được hạnh phúc trọn vẹn với người mình yêu.
Nhan đề bài thơ gợi cho người đọc nhiều bâng khuâng, trăn trở. Duyên là một mối lương duyên tốt, tạo nên số mệnh sau này của một con người, vậy mà Thúy Kiều lại phải “trao duyên”. Đây là một sự hy sinh rất lớn, một điều khó khăn, nhất là đối với một người nội tâm sâu sắc, hiểu biết đạo nghĩa như Kiều. Nhan đề bài thơ đã phản ánh nghịch cảnh éo le, bi kịch đầy nước mắt, mở đầu cho chuỗi ngày đau khổ suốt 15 năm lưu lạc sau này của Kiều.
Mở đầu lời trao duyên, lời lẽ của Thúy Kiều vừa mang tính trông cậy, vừa có sự gượng ép, nhờ em tiếp tục mối tơ duyên với một người chưa từng quen biết:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Nguyễn Du đã rất tinh tế trong việc sử dụng từ ngữ, ông sử dụng từ “cậy” chứ không dùng từ “nhờ”, dùng từ “chịu lời” chứ không dùng từ “nhận lời”. Điều này cho thấy sự nghiêm túc và thận trọng của Thúy Kiều khi ngỏ lời với Thúy Vân, nói sao để em có thể làm việc mà bản thân không tự nguyện và khó có thể chối từ.
Thúy Kiều là chị, nhưng hành động, lời lẽ, cử chỉ với Thúy Vân lại vô cùng lễ phép “lạy, thưa”. Hành động này nghe có vẻ như trái với lễ giáo phong kiến vì Thúy Kiều là chị, Thúy Vân là em thì sao có chuyện chị lại “lạy” rồi “thưa” với em. Tuy nhiên, xét trong hoàn cảnh này, Thúy Kiều là người nhờ vả, lại là người đặt em vào tình huống khó xử nên việc “lạy, thưa” lại trở nên hợp lí. Hơn nữa, còn thể hiện thái độ thành khẩn của Thúy Kiều và sự khó xử khi bắt em phải chắp “mối tơ thừa” của mình.
Bi kịch của Thúy Kiều thể hiện ở chỗ, ý thức rất rõ về nỗi đau của mình nhưng lại không có cách nào để tự giải thoát được. Nỗi đau, bi kịch tình yêu tan vỡ của Kiều hoàn toàn là do ngoại cảnh, yếu tố khách quan mang lại. Câu chuyện tình của Thúy Kiều, Kim Trọng, cặp đôi trai tài gái sắc, nhưng lại phải chịu cảnh “giữa đường đứt gánh tương tư”.
Để thuyết phục em, Kiều đã kể về mối tình của mình với Kim Trọng, về hoàn cảnh éo le mà mình đang đối mặt để mong Vân có thể cảm thông và thấu hiểu. Hẳn là khi nghĩ lại mối tình này, lòng Kiều cũng nhói đau, hàng loạt hình ảnh biểu trưng cho tình yêu đôi lứa được đề cập đến:
“Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”
Những lời thề sắt son dưới ánh trăng nguyền đã không thể trở thành hiện thực, hạnh phúc lứa đôi mãi mãi chẳng thể vẹn tròn. Hai câu thơ sau chỉ rõ nguyên nhân mà Kiều không thể vẹn nghĩa với chàng Kim, bởi trước tình cảnh gia đình gặp biến cố lớn, Kiều chỉ có thể lựa chọn “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Khi đã tỏ rõ tình thế của bản thân hiện tại, Kiều lại tiếp tục bày tỏ sự mong mỏi tha thiết của mình:
“Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”
Kiều lúc nào cũng có dự cảm không lành cho tương lai của mình, luôn nghĩ về cái chết. Lập luận của Kiều hết sức chặt chẽ, vừa hợp lý lại hợp tình, khiến Vân không thể từ chối.
Sau khi nhờ cậy em, Thúy Kiều trao kỉ vật tình yêu của hai người cho Thúy Vân “duyên này thì giữ vật này của chung”, và dặn dò chuyện tương lai. Mỗi kỷ vật, là chiếc vành hay bức tờ mây đều được Thúy Kiều nâng niu, trân trọng. Nàng vẫn còn nhớ những kỉ niệm về “phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa với Kim Trọng, giờ đây, dù đã trao hết cho Vân những Kiều vẫn có sự giằng xé giữa lý trí và tình cảm, vừa muốn trao đi, lại vừa muốn giữ cho riêng mình.
Đau đớn, xót xa hơn khi Kiều dặn dò Vân:
“Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này”
Sau này, mỗi khi đốt hương, đánh đàn, linh hồn của nàng sẽ trở về, khi đó nàng chỉ mong Thúy Vân hãy rưới giọt nước để giải oan cho chị “rưới xin giọt nước cho người thác oan”, Kiều luôn nghĩ về cái chết, luôn tưởng tượng về một kết thúc không tốt đẹp cho số phận của bản thân mình.
Đến đây, Kiều dường như đã quên mất việc có Thúy Vân ở trước mặt, nàng chìm đắm vào nỗi đau thân phận và tưởng tượng chàng Kim đang ở trước mặt để nghe nàng than khóc về nỗi đau.
Lời thơ ở đoạn thơ này đã chuyển từ đối thoại sang độc thoại, Kiều nhận thức rất rõ về tình trạng hiện tại của mình “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Kiều tự nhận bản thân mình là người phụ bạc, cái “lạy” lần này là Kiều dành cho Kim Trọng, cái lạy tạ lỗi với tình quân.
Hai lần Kiều gọi Kim Trọng “Ơi Kim Lang! Hỡi Kim Lang” giọng tức tưởi, đau đớn đến mê sảng. Lúc này, Kiều đã quên bản thân mình mà chỉ nghĩ đến Kim Trọng, đó chính là đức hi sinh cao quý.
Câu thơ đã sử dụng hình ảnh giàu sức biểu cảm, gợi tả số phận đầy đau khổ, dở dang, bạc bẽo, lênh đênh, nổi trôi, ngôn ngữ biểu đạt là lời độc thoại tự tâm, nỗi thống khổ của Kiều không ai có thể thấu hiểu, nảng chỉ còn biết tự khóc than cho thân phận mình.
Kết bài
Chỉ một đoạn trích ngắn ngủi mà ta đã thấy được nỗi đau đớn tột cùng của Kiều. Nỗi đau đó chính là minh chứng cho một xã hội bất công, thối nát, mục ruỗng, đày ải con người ta, nhất là người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi. Bi kịch của Thúy Kiều chính là bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa, không thể có được hạnh phúc của riêng mình.
Từ ngữ được Nguyễn Du sử dụng đều là những từ giàu sắc thái biểu cảm, có tính sát khí mạnh, như một nỗi đau cứa vào lòng người đọc. Đoạn trích “Trao duyên” thực sự là một trích đoạn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc, thể hiện tài hoa của Nguyễn Du cũng như bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa. Ta thấy hình như ở khúc đoạn trường này có máu rỏ trên đầu ngọn bút của Nguyễn Du, có nước mắt thấm qua trang giấy, hơn hai trăm năm rồi giọt nước mắt ấy dường như vẫn còn chưa ráo. Không chỉ riêng đoạn trích “Trao duyên” mà giá trị nhân đạo của “Truyện Kiều” vẫn sẽ luôn sáng mãi với thời gian.
Hy vọng với bài viết «Những điều cần lưu ý khi phân tích bài thơ Trao duyên» Vieclam123.vn có thể đem tới cho các bạn tài liệu học tập chất lượng nhất.
>> Đọc thêm:
15/07/2022
13/07/2022
14/06/2022
03/06/2022