close
cách
cách cách cách

Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm

image

CHIA SẺ BÀI VIẾT

“Nhàn” là một sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện quan niệm sống, triết lý sống thuận theo tự nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, coi nhẹ danh lợi. Hãy cùng Vieclam123 tìm hiểu chi tiết hơn về lối sống này qua dàn ý chi tiết và bài văn mẫu dưới đây nhé.

1. Dàn ý chi tiết

1.1 Mở bài

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

+ Tác giả: Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam thế kỉ XVI với nhiều sáng tác ghi dấu ấn trong nền văn học nước nhà. Ông là người có học thức uyên thâm, từng đỗ đạt và làm quan ở triều Mạc nhưng sau đó cáo quan về ở ẩn, dựng am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, sống một cuộc sống nhàn hạ, lánh xa cõi đời trần tục.

Thơ ông mang đậm chất giáo huấn, giáo lý của người kẻ sĩ, đồng thời ngòi bút cũng hướng đến phê phán những điều xấu xa, những bất công tồn tại trong xã hội phong kiến.

+ Tác phẩm: Nhàn là bài thơ rút trong tập “Bạch Vân quốc ngữ thi”, bài thơ khẳng định quan niệm sống nhàn của nhà thơ, sống hòa hợp với thiên nhiên, lánh xa cõi đời trần tục, thoát khỏi vòng danh lợi.

1.2 Thân bài

* Bố cục: Bố cục bài thơ có thể được chia làm 4 phần, phân theo bốn phần cụ thể của một bài thất ngôn bát cú đề-thực-luận-kết.

+ Hai câu đề: Hoàn cảnh sống nhàn của nhà thơ

+ Hai câu thực: Quan niệm sống nhàn

+ Hai câu luận: Cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên

+ Hai câu kết: Triết lí sống nhàn

* Nhan đề: “Nhàn” : Nhàn có nghĩa là nhàn hạ, thảnh thơi, rỗi rãi, không có việc gì phải làm hay phải bận tâm suy nghĩ. Quan niệm sống nhàn có thể được biểu hiện ở hai phương tiện “nhàn thân” và “ nhàn tâm”. Ở đây, ta thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm là cuộc sống “nhàn tâm” chứ không “nhàn thân” giống như Nguyễn Trãi trong “Cảnh ngày hè” là “nhàn thân” chứ không “nhàn tâm”.

* Hai câu đề:

“Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

+ ”Mai, cuốc, cần câu”: đây đều là những dụng cụ lao động quen thuộc ở vùng nông thôn Việt Nam, gắn bó với cuộc sống và công việc hàng ngày của người nông dân Việt. Phép điệp từ “một”, và phép liệt kê gợi lên hình ảnh người nông dân đã sẵn sàng cho công việc hàng ngày.

+ Thơ thẩn: dáng vẻ ung dung, tự tại, mặc cho “dầu ai vui thú nào”, phủ nhận những thú vui đời thường mà người đời ganh đuổi.

+ Nhịp thơ 2-2-3 gợi lên sự thong thả, đều đặn, nhà thơ rất gắn bó với công việc điền viên này, dù cuộc sống bận rộn, vất vả nhưng tâm hồn luôn ung dung tự tại, không có nhiều mối bận tâm, lo nghĩ.

* Hai câu thực:

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao”

+ Hai câu thơ đã nêu lên quan niệm sống nhàn của Bạch Vân cư sĩ qua phép đối “ta-người”, “dại-khôn”, “nơi vắng vẻ-chốn lao xao”

+ Phép ẩn dụ “nơi vắng vẻ” chỉ nơi yên bình, chốn bình yên nơi làng quê, cũng là nơi tĩnh tại của tâm hồn, “chốn lao xao” chốn quan trường bon chen, đầy rẫy những tranh giành, đấu đá, thị phi.

+ Cách nói ngược đầy hóm hỉnh, pha chút mỉa mai “ta dại, người khôn” vừa để răn mình, vừa để dạy đời. Cái “dại” của Nguyễn Bỉnh Khiêm là cái dại của một con người thanh cao, đã trải qua sự đời và hiểu biết về những bon chen trong cuộc sống.

=> Hai câu thơ thể hiện quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, xa lánh chốn quan trường bon chen, vụ lợi, thị phi, tranh giành, để đến với chốn bình yên nơi thôn dã.

Phân tích bài thơ Nhàn

* Hai câu luận

“ Thu ăn măng trúc đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

+ Hai câu thơ đã thể hiện được lối sống bình dị bốn mùa dân giã ở chốn thôn quê.

+ Thức ăn: “măng trúc”, “giá” đều là những thức ăn đơn sơ, giản dị, có sẵn trong tự nhiên, là những món ăn đặc trưng của làng quê Việt Nam.

+ Sinh hoạt hàng ngày: “tắm hồ sen”, “tắm ao”, nếp sống hòa cùng với thiên nhiên, giản dị, không cầu thứ gì cao sang.

+ Cách ngắt nhịp thơ 4/3 gợi lên nhịp sống ung dung, thong dong, tự tại, giọng điệu vui tươi, thoải mái, tận hưởng những gì thiên nhiên ban tặng. 

+ Ta bắt gặp một nét thơ quen thuộc khi sau này, trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Bác Hồ cũng có lối sống giản dị, hòa cùng thiên nhiên như vậy:

“Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”

* Hai câu kết:

“Rượu đến cội cây ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

+ Sử dụng điển tích Thuần Vu Phần nhận ra phú quý chỉ tựa như một giấc chiêm bao, không có thật.

+ ”Nhìn xem”: thể hiện tâm thế ngẩng cao đầu, cao hơn đời, hơn người, cái nhìn ung dung, coi thường danh lợi.

=> Thể hiện quan niệm sống coi thường danh lợi, phú quý.

1.3 Kết bài

- Khái quát lại triết lý sống nhàn được thể hiện trong bài thơ, tình yêu thiên nhiên sống hòa hợp với thiên nhiên nơi thôn dã và thái độ coi thường phú quý danh lợi, được mất bon chen ở đời.

- Mở rộng lối sống nhàn ở một số tác phẩm khác như “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi, “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ.

2. Bài văn mẫu phân tích “Nhàn”của Nguyễn Bỉnh Khiêm

2.1. Phân tích bài thơ Nhàn số 1

Trong suốt chiều dài lịch sử văn học Việt Nam. Ở mỗi thế kỷ đều có những tác giả tiêu biểu và xuất sắc. Nếu như ở thế kỉ XV đã vinh danh tên tuổi của Nguyễn Trãi là một đại thi hào của dân tộc, thì đến thế kỉ XVI người đời lại biết đến nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm như một cây viết xuất sắc trong  thời kì văn học trung đại và có một vị trí riêng trong nguồn mạch phát triển của thơ ca tiếng Việt. Các tác phẩm của ông mang những trăn trở, thâm trầm về triết lý cuộc sống và thời đại bấy giờ . Nổi bật nhất là tác phẩm “Nhàn”. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gửi gắm các triết lý, tư tưởng, quan niệm về lối sống “nhàn” của mình vào bài thơ để đến ngày nay các giá trị đó vẫn tồn tại và khiến người đọc phải suy ngẫm.

Phân tích bài thơ Nhàn

Khi chúng ta nhắc đến tên tuổi của những danh nhân Việt Nam với lòng yêu quê hương đất nước hẳn là sẽ không quên được cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), tự Hanh Phủ quê ở làng Trung An, huyện Vĩnh Bảo ( Hải Phòng ngày nay). Ông là người có học thức uyên sâu, đã đỗ Trạng nguyên và làm quan dưới triều nhà Mạc. Trong cuộc đời 8 năm làm quan của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng dâng sớ xin chém 18 vị lợi thần nhưng không được nhà vua chấp nhận. Sau đó, ông đã xin từ quan, bỏ về quê cũ lấy danh là Bạch Vân cư sĩ để mở lớp dạy học. Học trò của ông cũng có rất nhiều người tài giỏi vì vậy ông cũng được suy tôn là Tuyết Giang phu tử (người thầy của sơn tuyết). Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm tập Bạch Vân Am Thi Tập gồm 700 bài thơ được viết bằng chữ Hán và Bạch Vân Quốc Ngữ Thi được viết bằng chữ Nôm gồm 170 bài thơ. Một trong những tác phẩm tiêu biểu trong số đó là bài thơ “Nhàn”.

Cũng như nỗi lòng của nhà thơ Nguyễn Trãi được giãi bày trong tác phẩm “Cảnh ngày hè”. Mong muốn tìm cho mình một nơi thanh tịnh không màng tới chuyện đời mà sống hài hòa với thiên nhiên. Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng từ giã chốn quan trường để tìm kiếm thú vui của riêng mình. Tìm đến cuộc sống giản dị- sống thật sự như một lão nông nghèo, thuận theo quy luật thiên nhiên đất trời để nuôi dưỡng tâm hồn, gìn giữ cốt cách của mình. Nguyễn Bỉnh Khiêm hoàn toàn ở trong vị thế ung dung, tĩnh tại và hoàn toàn vui vẻ, hài lòng với cuộc sống “nhàn”, cách sống “nhàn” mà ông đã tự lựa chọn.

Toàn bộ bài thơ “ Nhàn” được tác giả viết trong thời gian ở ẩn, là chân dung cuộc sống đời thực của thi sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Để lý giải được triết lý sống “nhàn” bài thơ được viết dưới thể thơ thất ngôn bát cú đường luật với cấu trúc: đề, thực, luận, kết.

Với hai câu đề:

“ Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào “

Hai câu thơ đầu được tác giả gieo nhịp 2/2/3. Nhịp thơ thể hiện sự ung dung, an nhàn, tự tại khiến ta hình dung từ hình ảnh của một lão nông chi điền với cuộc sống không vướng chút hào hoa bụi trần nơi Am bạch vân. Ở câu thơ đầu phép điệp từ “một” liệt kê lại những vật dụng: mai, cuốc. cần câu. Mỗi thứ ông chỉ cần có một, những vật dụng này là những vật dụng lao động hằng ngày rất gần gũi đời thường, quen thuộc với nhà nông, rất dễ tìm kiếm và sử dụng.  Dường như ông chỉ cần đến thế thôi, không hề cần “ nhiều” những thứ cao quý hơn. Câu thơ thứ hai chuyển sang tâm thế của tác giả. Từ láy “thơ thẩn” thể hiện rằng người chỉ tập trung chọn cho mình một niềm vui giản dị, tự bằng lòng với lối sống của mình, lối sống “nhàn”. Đại từ vô định “ai” thể hiện sự thờ ơ, hờ hững và không quan tâm đến bất cứ thú vui nào của người khác. Đồng thời, thể hiện sự kiên định khi tự chọn cho mình cung cách sống đời thường, bình dị. Như vậy, chỉ bằng hai câu thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khẳng định tâm thế nhàn hạ và triết lý sống đơn giản của mình. Bỏ xa những đòi hỏi cao sang, thú vui người đời mà chỉ hướng tới những thứ mộc nhất, nông nhất.

Nguyễn bỉnh khiêm

Hai câu thực:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tìm chốn lao xao”

Hai câu thơ tiếp theo nói rõ hơn về lối sống “nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nghệ thuật đối xứng giữa hai câu thơ: ta dại>< người khôn, vắng vẻ>< chốn lao xao.  Ông tự nhận mình là kẻ dại, kẻ ngu dốt và khen người khôn ngoan. Nhưng thực ra, đây là một cách nói ngược, khi ông khen nghĩa là ông đang chê trách, mỉa mai và khi ông chê có nghĩa là ông đang khen. Đó là tư thế, bản lĩnh và sự ngạo nghễ của tác giả khi nói về quan điểm và triết lý sống của mình. Ông dại nhưng thực chất là khôn khi tìm nơi vắng vẻ. Nơi vắng vẻ ở đây không phải là tìm nơi rừng núi hoang vu, hẻo lánh mà ông đang ám chỉ nơi chứa sự tự do, nơi thanh sạch không vướng những hào hoa phú quý để có thể di dưỡng tinh thần, gìn giữ cốt cách thanh cao, trong sạch. Còn người khôn tức là kẻ dại, kẻ ngu ngốc khi tìm đến chốn lao xao. “Chốn lao xao” ở đây không phải là chốn ồn ào, đông người mà được hiểu theo nghĩa ẩn dụ, tức là chốn quan trường. Bị quấn vào chốn quan trường tức là bị quấn vào vòng xoáy tham vọng, danh quyền. Một khi con người đã bước vào sự cám dỗ, khó có đường lui, tâm không thanh tịnh thì sẽ dẫn vào cuộc sống của những xô bồ, đấu tranh phi nghĩa, thủ đoạn độc ác mất đi những giá trị và cốt cách căn bản. Bằng giọng nói hóm hỉnh, ông ngợi ca cuộc sống lao động đời thường, bình dị. Cùng với đó là mỉa mai, phê phán lối sống nơi thị phi, vụ tính toán lợi, ham mê tiền tài danh vọng. Lối sống làm mất đi bản chất thanh cao của con người, chỉ hướng đến những xấu xa, bụi bẩn của những người thuộc tầng lớp nho sĩ bấy giờ. 

Quả là, đối với cuộc sống hằng ngày, chúng ta rút ra được bài học sống thanh thì tâm tịnh. Cuộc sống có thanh sạch thì tâm với an nhàn, vui vẻ. Tiền tài, danh vọng chỉ sinh lòng đố kỵ tham lam. 

Hai câu luận:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”

Hai câu thơ vẽ ra một bức tranh cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên tứ bình với bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Về ăn, ông ăn uống rất đơn giản, đạm bạc, mỗi mùa lại có một loại thức ăn tương ứng “ Thu ăn măng trúc đông ăn giá”. “Măng, giá” là những thứ vốn có, dễ trồng và dễ tìm kiếm. Là những món ăn thanh đạm, quen thuộc với bữa cơm nhà nông. Về sinh hoạt, ông xuân thì “tắm hồ sen” hạ thì “tắm ao”. Cách sinh hoạt cũng rất đỗi dân dã. Hồ sen hayao đều là những thứ gắn liền với hình ảnh của quê hương đất nước. Tác giả tìm đến nguồn thức ăn thanh sạch, không phải là những sơn hào hải vị nhưng lại mang đậm hương vị quê nhà, chan chứa bản sắc dân tộc. Đây là cách để ông sống từ ngày này qua ngày khác, cách để ông di dưỡng tâm hồn, bảo vệ sự trong sạch. Qua hai câu thơ, chỉ với vài nét Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vẽ ra một bức tranh tứ bình về cuộc sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Đồng thời thể hiện tình yêu thiên nhiên gắn liền với tình yêu quê hương đất nước, yêu bản sắc dân tộc. Tuy rất giản dị nhẹ nhàng nhưng thanh cao vô cùng.

Hai câu kết:

“ Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Hai câu thơ cuối thể hiện vẻ đẹp nhân cách của nhà thơ. Trong các tác phẩm trung đại, người ta thường sử dụng điển cố, điển tích. Nếu như trong tác phẩm “Cảnh ngày hè” sử dụng điển cố nói về ngư cầm – cây đàn của vua Ngu Thuấn thì trong tác phẩm “Nhàn” đặc biệt là ở trong hai câu thơ cuối này có nhiều người cho rằng sử dụng điển tích Thuần Vu Phần. Có nghĩa là liên tưởng đến Thuần Vu Phần một kẻ mơ mộng, ông ta uống rượu say rồi đến gốc cây hòe. Ông ta mơ mình có được giàu sang, danh lợi, vinh hoa phú quý nơi nước Hòe An nhưng khi tỉnh dậy hóa ra tất cả chỉ là một giấc mơ, những thứ mà ông ta chưa từng chạm đến chỉ là những tổ kiến. Quay lại với câu thơ, nghệ thuật liệt kê, kết hợp đảo từ. Đáng lẽ câu thơ phải là “ Đến cội cây ta sẽ uống rượu” nhưng tác giả đã đổi thành “Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống” đồng thời với nhịp thơ 1/3/3 thể hiện tâm thế sẵn sàng ung dung. Nếu “rượu” được coi như vinh hoa phú quý, quyền lợi chốn thị phi thì người thi sĩ ở đây vẫn đứng dưới tâm thế bình tĩnh mà xem “tựa chiêm bao” như của Thuần Vu Phần.

Hai câu thơ bộc lộ rõ nhân cách cao quý của Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông là người học rộng, tài hoa, uyên bác. Khác với tiền tài địa vị chưa từng có được của Thuần Vu Phần, ông cũng đã làm quan, có tiền tại danh lợi, vinh hoa phú quý. Nhưng ông không màng tới nữa. Bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn thấy được sự công bằng, chân lí chốn quan trường bị che đậy bởi sức mạnh của đồng tiền, của toan tính của vu lợi. Không cam chịu sự tha hóa, ông quyết tìm cuộc sống giản dị, bỏ qua tất cả ông chỉ xem như là chiêm bao. Ông nhìn thấy triết lý sống của mình, muốn gìn giữ thanh cao, thoát khỏi những ô uế trần tục. Sự khoan thai, đĩnh đạc, tâm thế chủ động đối với “rượu” – vinh hoa phú quý càng làm toát lên cốt cách, nhân cách đáng ngưỡng mộ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông ngợi ca sự bình dị, thanh bạch bao nhiêu tức là phê phán, mỉa mai thói sống tham danh tham quý bấy nhiêu. Đó là lý do mà người đời dành cho ông nhiều sự tôn quý. 

2.2. Phân tích bài thơ Nhàn số 2

Phân tích bài thơ Nhàn

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhà thơ lớn, có tầm ảnh hưởng trong nền văn học nước nhà.Thơ văn của ông thể hiện một khí chất, cốt cách thanh cao của người cư sĩ, sau những bon chen chốn quan trường đã lựa chọn cho mình một cuộc sống giản dị, lánh xa cõi đời trần tục. Quan điểm sống hòa hợp với thiên nhiên, lánh xa cõi đời trần tục của ông được thể hiện rõ nhất trong bài thơ “Nhàn”.

“Nhàn” là một trong những bài thơ được rút trong tập “Bạch Vân quốc ngữ thi” được ông sáng tác trong thời gian ông đã về quê ở ẩn. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú đường luật, có bốn phần đề-thực-luận-kết, niêm luật chặt chẽ.

Ngay trong hai câu thơ đầu tiên, ta đã thấy được hoàn cảnh sống “nhàn” của nhà thơ:

“Một mai, một cuốc, một cần câu

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

Phép liệt kê những vật dụng gắn bó với cuộc sống người nông dân ở vùng nông thôn ở ngay câu thơ đầu tiên đã thể hiện tư thế sẵn sàng của người cư sĩ với những công việc thường ngày. Đảo ngữ “thơ thẩn” được đặt ở đầu câu đã nhấn mạnh dáng vẻ ung dung, tự tại, thong thả, không có gì là vội vã của một người nông dân đích thực gắn bó với cuộc sống điền viên.

Cuộc sống nông thôn dù bận rộn, vất vả nhưng nhà thơ sẽ được “nhàn tâm”, mặc kệ thiên hạ “dầu ai vui thú nào”. “Thú” ở đây có thể là những thú vui nơi đô thành tấp nập cũng có thể là vui thú với danh lợi, tiền tài. Nhà thơ mặc kệ hết tất thảy, chỉ tập trung vào cuộc sống “nhàn” của mình.

Hai câu thực với phép đối độc đáo đã nói lên quan điểm sống Nhàn của Bạch Vân cư sĩ:

“ Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn, người đến chốn lao xao”

“Nơi vắng vẻ” chỉ chốn bình yên nơi thôn quê, nơi tĩnh tại của tâm hồn, tránh xa nơi cõi đời thị phi, bon chen, tranh đấu, giành giật quyền lợi, công danh, phú quý. “Chốn lao xao” là chốn quan trường bon chen, thị phi, tấp nập. Cách nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm rất hóm hỉnh, tự nhận mình “dại” để người “khôn”, nhưng cái dại của Bạch Vân cư sĩ là cái dại của một con người thanh cao, một người đã trải qua nhiều sự trên đời và biết rõ về chốn thị phi, bon chen trong cuộc sống. 

Hai câu thơ tiếp theo thể hiện rõ hơn về lối sống Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi mà mọi thức ăn bình dị đơn sơ cũng như nếp sinh hoạt hàng ngày đểu gắn bó với thiên nhiên:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

Cách ngắt nhịp 4/3 gợi lên nhịp sống ung dung, thong dong, tự tại. “Măng trúc, “giá” đều là những thức ăn quen thuộc, dễ kiếm ở làng quê Việt Nam. Nếp sinh hoạt “tắm hồ sen”, “tắm ao” là nếp sống bình dị, dân giã, không cầu thứ gì cao sang. 

Ta bắt gặp đâu đó phong thái ung dung tự tại của chủ tịch Hồ Chí Minh trong những vần thơ sau này, ngay trong thời kì kháng chiến ác liệt, nhưng cuộc sống của người vẫn toát lên sự tự tại, lối sống giản dị, gắn bó với thiên nhiên:

“Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”

Hai câu cuối sử dụng điển tích điển cố, càng toát lên được nhân cách thanh cao của nhà thơ, nhìn phú quý tựa như giấc chiêm bao:

“Rượu đến cội cây, ta sẽ uống

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định thêm một lần nữa quan điểm sống Nhàn của mình, sẵn sàng đón nhận những vui thú của cuộc đời, xem thường phú quý, danh lợi, xem chúng như một giấc chiêm bao. Phải là người từng trải sự đời như thế nào thì Nguyễn Bỉnh Khiêm mới có được tư tưởng xem thường vinh hoa phú quý như vậy. 

“Nhàn” là chủ đề không còn xa lạ trong thơ văn thời trung đại, nhưng mỗi nhà thơ qua tác phẩm của mình lại thể hiện những tư tưởng sống Nhàn khác nhau. Ở trong “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta thấy nổi bật ở đây chính là sự “nhàn tâm”, để tâm thanh tịnh, không suy nghĩ, lắng lo quá nhiều. Thêm vào đó, nhà thơ không chọn cho mình lối sống “nhàn thân”, mà luôn làm việc, những công việc tuy vất vả, cực nhọc về thể chất nhưng thanh thản về tâm hồn.

Như vậy, bài thơ “Nhàn” là một tuyệt tác nghệ thuật của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là kho tàng quý giá của nền văn chương dân tộc. Bài thơ nêu rõ sự bản lĩnh, ngạo mạn trong lý triết sống “nhàn” của mình để lại ấn tượng sâu sắc đối với người đọc người nghe Từ đó, thấy được sự thanh cao và phẩm chất đáng ngưỡng mộ của người. Liên tưởng đến thực tại, bài thơ để lại cho chúng ta bài học đáng suy ngẫm về lối sống và phong cách sống hiện nay.\

>> Xem thêm bài văn mẫu hay:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
kế hoạch truyền thông sự kiện
Timeline kế hoạch truyền thông sự kiện mà bạn không nên bỏ lỡ
Tổng quan về kế hoạch truyền thông sự kiện. Tổng quan về timeline truyền thông sự kiện. Tìm hiểu các giai đoạn trong timeline truyền thông sự kiện.

mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể và một số quy định
Mẫu đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Thanh toán tiền bảo hiểm thân thể. Nội dung đơn đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm thân thể.

ARC là gì
ARC là gì? ARC được dùng phổ biến ở những lĩnh vực nào?
ARC là gì? Vốn là một thuật ngữ mang nhiều nghĩa, vậy nên bạn cần tìm hiểu rõ về thuật ngữ này để có cách sử dụng hiệu quả trong từng hoàn cảnh khác nhau.

mẫu biên bản xác minh
Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh đúng chuẩn và chi tiết nhất
Mẫu biên bản xác minh được sử dụng để làm những gì? Làm thế nào viết mẫu biên bản xác minh cho đúng chuẩn? Hướng dẫn viết mẫu biên bản xác minh.